Thi THPT quốc gia 2018, cần ôn tập thế nào?
19/06/2018

Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa, Hà Nội, cho biết đề tham khảo của tất cả các môn đều được giáo viên (GV) đánh giá là tăng độ khó rõ rệt so với năm trước, do vậy chắc chắn việc “lên dây cót” tinh thần để thầy trò tập trung ôn tập là điều sẽ phải làm ngay. Trước mắt, các tổ bộ môn của trường đang nghiên cứu, phân tích đề thi để học sinh (HS) ôn tập phù hợp nhất. Sau nghỉ Tết Nguyên đán sẽ bước vào giai đoạn nước rút.

Nhiều GV cho rằng việc tăng câu hỏi khó, phân hóa rõ hơn là điều mà đề tham khảo đã làm được nhằm tránh các cơn mưa điểm 10 khiến các trường ĐH khó xử trong xác định điểm chuẩn vào trường.

thi thpt quốc gia 2018 cần ôn tập thế nào
Dự đoán đề thi THPT năm nay có phần khó hơn năm trước

Môn tiếng anh cần ôn theo chủ đề

Bà Lê Thu Hương, GV Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Nghệ An, cho hay sau khi có đề tham khảo môn tiếng Anh, bà đã cho 17 HS (sẽ dự thi khối D và A1, học khá môn học này trở lên) làm thử đề trong thời gian theo quy định. Kết quả là chỉ một HS được 9,2 điểm, 13 HS có điểm từ 6 đến dưới 9 điểm; 3 HS từ 5 đến dưới 6 điểm. “Đề năm nay phân hóa rất rõ rệt”, bà Hương nhận định.

Theo bà Hương, do độ khó so với năm ngoái tăng cao, HS sẽ có cơ hội dùng đến kiến thức nâng cao, chứ không đơn thuần là kiến thức cơ bản. Một câu hỏi từ vựng kiểm tra từ ghép, cụm từ, thành ngữ sẽ lạ với nhiều HS nếu không phải là ôn khối D.

Phần tìm câu đồng nghĩa năm nay dài và khó hơn năm ngoái. Về kỹ năng, điểm mới là có bài đọc chủ đề lớp 11, nội dung hay, gần gũi, quen thuộc. Tuy nhiên, nhiều câu hỏi kiểm tra kỹ năng đọc yêu cầu khả năng tư duy và ngôn ngữ cũng như năng lực phân tích phê phán khá cao. Nhìn chung, đề năm nay có nội dung câu hỏi rất thực tiễn với người học. Có những câu phân loại thí sinh khá rõ rệt. Đề này cũng xứng đáng làm đề thi dùng để làm căn cứ xét tuyển ĐH, tuy nhiên nếu HS chỉ thi xét tốt nghiệp thì khó để đạt điểm 5.

Từ thực tế đó, bà Hương và một số GV tiếng Anh khác đều cho rằng, GV cần ôn tập cho HS theo chủ đề, dành nhiều thời gian cho HS luyện tập các bài tập theo chủ đề từ dễ đến khó, tăng số lượng câu hỏi, bài tập thông hiểu, vận dụng. Chú trọng đặc biệt tới việc rèn luyện kỹ năng đọc và kỹ năng làm bài.

Để đạt điểm cao môn tiếng Anh, bà Hương cho rằng HS cần tích cực luyện tập các dạng bài theo chủ đề với nhiều mức độ. HS cũng cần được luyện thường xuyên mới có được kỹ năng ngôn ngữ và kỹ năng làm bài.

Môn GDCD: Không đòi hỏi ghi nhớ máy móc

Với môn giáo dục công dân (GDCD), bà Đoàn Thị Thủy Chung, GV Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Nghệ An), cho rằng câu hỏi mang tính gợi mở và gắn với thực tiễn đời sống nên không đòi hỏi HS phải ghi nhớ kiến thức một cách máy móc. Đề thi có nhiều tình huống mang tính giáo dục, yêu cầu HS vận dụng kiến thức thực tiễn để giải quyết.

Vì vậy, để đạt điểm giỏi ngoài việc nắm chắc kiến thức cơ bản, HS phải có tư duy logic, khoa học. Bà Thủy nêu rõ, ở đề thi tham khảo, câu nhận biết ngắn gọn, dễ hiểu; câu vận dụng thấp yêu cầu HS phải vận dụng kiến thức để nhận xét, đánh giá, từ đó tìm ra phương án đúng. Câu hỏi vận dụng cao có độ nhiễu cao hơn, khó hơn góp phần phân hóa các đối tượng HS chính xác. Đặc biệt, nội dung phần dẫn diễn đạt rõ ràng, đủ thông tin giúp HS hiểu và biết rõ nhiệm vụ phải hoàn thành.

Môn văn chú ý dạng đề tích hợp

Với đề thi môn ngữ văn, bà Phạm Thị Hà Thanh, GV Trường THPT Lê Quý Đôn, Hà Nội, cho rằng sau khi có đề tham khảo của Bộ GD-ĐT thì chắc chắn việc luyện thi cho HS sẽ phải thay đổi vì đề có những khác biệt đáng kể so với năm 2017. Cụ thể, đề năm nay đã tích hợp kiến thức của lớp 11 vào dạng đề bài so sánh, đây là dạng bài rất mới mẻ.

Năm nay, câu hỏi tích hợp, so sánh đưa vào đề môn ngữ văn chiếm tới 50% số điểm nên chắc chắn GV phải cho HS làm đi làm lại thật kỹ dạng đề này. Sẽ có những dạng tích hợp, so sánh theo đề tài, chi tiết, nhân vật, đoạn thơ, hình tượng (phụ nữ, người nông dân)… So sánh có thể giữa hai tác phẩm cùng một tác giả (như đề tham khảo) hoặc giữa các tác phẩm của các tác giả khác nhau. Cần rèn cho HS kỹ năng tổng hợp, so sánh.

Tuy nhiên, bà Hà Thanh cũng bày tỏ lo ngại khi cho rằng đề tham khảo môn ngữ văn dài so với thời gian làm bài là 120 phút, HS sẽ khó viết sâu sắc được. “Tôi lo để làm hết các yêu cầu đặt ra sẽ có nhiều bài văn hời hợt, chỉ đảm bảo đủ ý mà chưa viết đến nơi đến chốn”, bà Hà Thanh nói.

Theo Thanh niên


 
Hotline:

028.3989 3967 - 028.3989 3968

Tư vấn tuyển sinh - TV2

  

Tư vấn tuyển sinh - TV1

  

Thông báo mới
Điểm tin
Top