TP Hồ Chí Minh và định hướng xây dựng Thành phố Thông minh
26/08/2017

Thành phố thông minh – Xu thế của thế kỷ 21

     Theo Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU): “Một thành phố thông minh bền vững ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông (Information and Communication Technology- ICT) để mang lại chất lượng cuộc sống cao hơn cho cộng đồng, tăng cường hiệu suất dịch vụ và phát triển bền vững. Một thành phố như vậy cần đáp ứng những nhu cầu hiện nay mà không phải từ bỏ yêu cầu của thế hệ tương lai liên quan đến kinh tế, xã hội và môi trường”.

Tp.Hồ Chí Minh

     Thành phố thông minh ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối và nâng cao hiệu quả quản trị đô thị nhằm gia tăng chất lượng cuộc sống cho thị dân. Đó cũng là nền tảng tạo ra sự tương tác minh bạch giữa người dân và chính quyền, giúp quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, mang lại lợi ích cho người dân và các hoạt động kinh doanh.

     Thành phố thông minh được hiểu là sự hội tụ của 3 yếu tố: Hạ tầng hiệu quả, phát triển bền vững và môi trường sống thân thiện. Khi đó, thành phố có nền tảng kinh tế thông minh, đi lại thông minh, môi trường thông minh và cuộc sống thông minh. Trong đó, dân cư thông minh không chỉ là trình độ học vấn, chất lượng đào tạo và còn là các tương tác hướng đến xã hội mở. Quản trị thông minh gồm các khía cạnh của quản lý, dịch vụ cho cư dân như chức năng của các đơn vị hành chính, nền kinh tế thông minh gồm các yếu tố sáng tạo, hợp tác đầu tư, thương hiệu, hiệu quả sản xuất và thị trường sao cho linh hoạt bao gồm cả trong và ngoài nước.

     Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Liên bang Đức (BMBF) định nghĩa: “Thành phố thông minh là thành phố trung tính về CO2, là sử dụng năng lượng và tài nguyên có hiệu quả phù hợp với khí hậu trong tương lai” nhất là với BĐKH.

     Các ứng dụng của thành phố thông minh như “E Government” (chính quyền điện tử), “E-Ticketing” (vé điện tử trong giao thông) và không gian kết nối mạng lưới.

     Thành phố thông minh cũng gọi là thành phố ngày mai hay là thành phố sinh thái.

    DE Magazin Deutchland cho rằng có 7 yếu tố cấu thành nên thành phố thông minh trong tương lai, mỗi yếu tố cũng bắt đầu bằng chữ “thông minh”, từ lối sống, đi lại, sức khỏe đến học hành, quản trị công, môi trường và nền kinh tế, được hiện thực hóa bằng các công nghệ như dữ liệu lớn (big data) và Internet kết nối vạn vật (Internet of things- IoT).

Lộ trình xây dựng một thành phố thông minh bền vững

     Các nhà hoạch định đô thị hiện đang hướng tới việc vận hành các thành phố như một mạng lưới tích hợp chứ không phải là tập hợp các ngành riêng lẻ. Mục tiêu của các nhà quản lý là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân đô thị, bằng cách kết hợp các sáng kiến công nghệ và xã hội, đồng thời sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để nâng cao hiệu xuất của các ngành như vận tải, năng lượng, an ninh đô thị và rác thải.
Để giúp các nhà hoạt động chính sách thực hiện tầm nhìn thành phố thông minh. Theo ITU các thành phố thông minh bền vững đã đề ra một lộ trình gồm 5 bước:

1-Thiết lập cơ sở hạ tầng cho thành phố thông minh bền vững: Xây dựng cơ sở hạ tầng ICT kết mạng với hệ thống dữ liệu đô thị bao gồm: Kinh tế, xã hội, môi trường, cơ sở hạ tầng, không gian và quản lý, trên cơ sở tích hợp và chia sẻ, tìm cách biến các dữ liệu thành các thông tin hữu ích phục vụ quản lý và điều hành, được xem là nền tảng để hình thành các dịch vụ đô thị thông minh.

2-Xác định đầu tư hạ tầng thông minh: Các thành phố thông minh bền vững cần đầu tư vào “hạ tầng ICT”, dù mới hay đã lắp đặt, hạ tầng có thể phân chia làm 4 lớp: (i) Lớp cảm biến (Sensor) được hình thành với thiết bị nhận dạng tần số vô tuyến (RFID), các bộ cảm biến, dạng cảm biến và công nghệ theo dõi giám sát; (ii) Lớp giao tiếp gồm các băng rộng công năng (Performance) lớn, tốc độ cao và các mạng quang tin cậy và băng thông rộng không dây; (iii) Lớp dữ liệu được các cơ quan chính quyền, các doanh nghiệp và các trung tâm dữ liệu thực hiện sử và các hoạt động có liên quan; (iv) Lớp ứng dụng gồm một loạt các ứng dụng sử dụng dữ liệu được thu thập và xử lý bởi các lớp khác, được một loạt các thiết bị tiếp cận.

3-Hình thành các dịch vụ thông minh:
– Hệ thống giao thông thông minh (Intelligent Transport System – ITS): ITS sử dụng các tiến bộ của CNTT và viễn thông để liên kết giữa con người, hệ thống giao thông đường bộ thành một mạng lưới thông tin và viễn thông phục vụ cho việc lưu thông một cách tối ưu.
– Vận tải thông minh: Có nghĩa là đưa đón con người và vận tải hàng hóa hiệu quả và bền vững. Điều này cần giao tiếp máy-tới-máy và có các công nghệ wifi, các công nghệ RFID và hệ thống định vị toàn cầu (GPS) để có thông tin luồng giao thông, thời gian thực hiện. Các khả năng gồm: Giám sát phương tiện và theo dõi hạ tầng đường, giao thông.
– Các hệ thống quản lý nước thải: Có thể theo dõi nước thải, để giám sát sự di chuyển của nước, tối ưu tuyến nước và tập hợp chia sẻ dữ liệu về chu kỳ nước thải.
– Quản lý y tế thông minh: Có thể chẩn đoán và chữa trị từ xa, cung cấp các dịch vụ trực tuyến và hệ thống theo dõi bệnh nhân từ xa. Liên lạc máy-tới-máy rất quan trọng để vận hành những công việc như vậy.
– Giáo dục thông minh: Hình thành môi trường học tập được cụ thể hóa cho người lớn và trẻ em hoặc cung cấp cho giáo viên những cách thức mới để thiết kế các hoạt động học tập.
– An ninh thông minh: Cung cấp các phân tích mang tính dự báo và nhận dạng tội phạm và nâng cao sự an toàn cho công dân.
– Các tòa nhà thông minh: Có thể sử dụng các dữ liệu để cải tiến hiệu Suất năng lượng, giảm sự lãng phí và tối ưu hóa sử dụng nước.
– Các dịch vụ thông minh bền vững: Cũng có thể đóng vai trò lớn trong việc tăng cường sự điều hành của thành phố trước BĐKH và sẵn sàng ứng phó với thiên tai, các dịch vụ này sẽ phụ thuộc vào quan điểm chính về các hệ thống kiểm soát và yêu cầu được chia sẻ giữa nhiều lĩnh vực của thành phố như năng lượng, phế thải, vận tải và an ninh.

Tp.Hồ Chí Minh
Sơ đồ xây dựng các dịch vụ thông minh4-Giám sát tiến trình: Sử dụng các chỉ số hiệu suất quan trọng để giám sát hiệu suất và hiệu quả đạt được.

5-Đảm bảo an ninh: Hạ tầng an ninh phải bao gồm một trung tâm giám sát khẩn cấp và chống chịu trước thảm họa, quản lý và đánh giá an ninh và đảm bảo quản lý nhận dạng.

Xây dựng TPHCM theo hướng đô thị thông minh

     Để xây dựng TPHCM thành thành phố thông minh trước tiên cần: (i) Xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin – viễn thông, xây dựng cơ sở dữ liệu chung và quy hoạch của thành phố; (ii) Quản lý ngành và các dịch vụ thông minh: Giao thông; hệ thống bãi đậu xe; hệ thống thu phí thông minh,… quản lý môi trường; quy hoạch xử lý rác thải công nghiệp, gia đình và y tế; (iii) Tăng cường sự tham gia của người dân (người dân phải là đồng tác giả, đồng thời tham gia giám sát thực hiện, đánh giá sự hài lòng của người dân).

     Nói đến đô thị thông minh là người lãnh đạo không để xảy ra các vấn đề ách tắc rồi mới xử lý, mà phải dự báo sự cố để xử lý.
UBND TPHCM đã xác định 4 mục tiêu cơ bản để xây dựng TPHCM trở thành thành phố thông minh từ nay đến 2025. Đó là: (1)Thúc đẩy phát triển kinh tế; (2) Môi trường sống tốt hơn; (3) Người dân và doanh nghiệp được phục vụ tốt hơn; (4) Người dân tham gia quản lý và giám sát chính quyền. Với lộ trình nêu trên, trước mắt thành phố thành lập Ban chỉ đạo xây dựng “thành phố thông minh” do Bí thư Thành ủy đứng đầu và sẽ thành lập một Ban điều hành hành xây dựng thành phố thông minh do Chủ tịch UBND TP đứng đầu.

     Về cơ sở dữ liệu: Hệ thống công nghệ thông tin có sẵn hiện đã được từng ngành xây dựng. Trên cơ sở đó, trước mắt cần tập trung xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung cho tất cả các lĩnh vực. Hiện nay cơ sở dữ liệu tổng hợp thành phố còn yếu kém, hạn chế.

     Về hạ tầng mạng, thành phố sẽ ký kết một hợp đồng hợp tác với VNPT để doanh nghiệp này cùng tham gia xây dựng đề án thành phố thông minh. Hiện nay, VNPT có sẵn hạ tầng công nghệ thông tin, có nguồn lực, kinh nghiệm. Xây dựng thành phố thông minh là một đề tài rất nóng, là yêu cầu cấp bách đối với thành phố có dân số gia tăng nhanh và đòi hỏi tốc độ kinh tế tốc độ phát triển nhanh như TP HCM nên không thể chậm trễ. Theo VNPT, mục tiêu trong 10 năm tới TP HCM sẽ trở thành TP thông minh là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, thành phố cần phân ra 2 giai đoạn thực hiện. Trước mắt, trong 5 năm tới sẽ tập trung thực hiện chương trình giao thông thông minh, y tế thông minh, giám sát môi trường thông minh… để giải quyết các hạn chế, bức xúc của người dân như kẹt xe, ngập nước, y tế. Sau đó, trong giai đoạn tiếp theo, tùy vào yêu cầu thực hiện các bước làm thành phố thông minh hơn.. Những tiện ích mà người dân thụ hưởng khi TPHCM trở thành thành phố thông minh gồm: Dịch vụ chính quyền điện tử, hệ thống giao thông thông minh, quản lý lưới điện, quản lý nguồn nước sạch, giám sát môi trường, quản lý rác thải. Tất cả những tiện ích này tập trung vào 5 lĩnh vực thành phố cần phát triển mang tính bền vững gồm giao thông, an ninh, môi trường, y tế và du lịch.

     Theo Microsoft, TP thông minh, hiện đại phải được xây dựng trên cơ sở nền tảng chuyển đổi sang kỹ thuật số nhưng phải đặt con người lên hàng đầu. Các giải pháp đưa ra là phải xây dựng TP hiện đại, an toàn, khỏe mạnh hơn, TP đào tạo, TP phát triển bền vững… Đặc biệt, trong lộ trình chính phủ điện tử, cần công bố thông tin rộng rãi, trao đổi 2 chiều, xây dựng cổng thông tin đa mục đích, cổng thông tin được cá nhân hóa. Đồng thời, cần cung cấp dịch vụ công hiệu quả và thúc đẩy quan hệ giữa người dân với chính quyền TP, kết nối mọi người và thông tin không biên giới – cho phép cộng tác trực tuyến từ xa và cho phép người dân tương tác với quan chức một cách đơn giản dễ dàng, nhanh chóng. Trong xây dựng TP thông minh, các dịch vụ cho công dân phải chú trọng dịch vụ công hiệu quả hơn và đẩy mạnh quan hệ giữa người dân và chính quyền TP. Khi kết nối mọi người và thông tin không biên giới đã cho phép các dịch vụ công từ xa và trực tuyến, đồng thời cho phép người dân tiếp cận nhiều hơn với các dịch vụ và tương tác với chính quyền TP. Đặc biệt, xây dựng TP thông minh sẽ tăng sức hấp dẫn của TPHCM khi thu hút cư dân lành nghề, thu hút đầu tư cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế của thành phố.

Tp.Hồ Chí Minh
Sơ đồ dịch vụ quản lý thành phố thông minh
   Tóm lại, có thể nói xây dựng TPHCM thành TP thông minh với việc ứng dụng CNTT và viễn thông trong quản lý đô thị có thể thúc đẩy “tương tác” giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền nhanh chóng và hiệu quả hướng tới thành phố có chất lượng sống tốt, đồng thời cũng tăng sự “tương tác giữa thành phố và thế giới thông qua siêu xa lộ thông tin” trong toàn cầu hóa để Vùng TPHCM trở thành “điểm nút của mạng lưới kinh tế toàn cầu”, có tính cạnh tranh cao, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

   Nói cách khác, xây dựng TPHCM thành TP thông minh là để TP chuyển từ quản lý “đô thị thủ công” sang “đô thị thông minh”.
Hai đô thị lớn nhất của Việt Nam là Hà Nội và TPHCM vừa chính thức tham gia mạng lưới “Các thành phố thế giới” – một sáng kiến do Liên Minh Châu Âu khởi xướng nhằm mục đích trao đổi kinh nghiệm và thực tiễn tối ưu giữa các đô thị thuộc EU và các quốc gia ngoài khối về chính sách phát triển đô thị và khu vực, với trọng tâm là phát triển đô thị bền vững, hướng tới sự sáng tạo dành cho các “thành phố thông minh và xanh”.

Theo tapchikientruc.com.vn


 
Hot News
Top