Vì sao phải là đại học?
29/07/2017

Câu chuyện thi trường nào, học nghề gì lại nóng bỏng trên các trang tư vấn, các diễn đàn giáo dục khi một mùa tuyển sinh mới bắt đầu. Trước những đắn đo và nhiều lời xin tư vấn của các bậc phụ huynh, một nhà báo như tôi có nhiều trăn trở.

     Thời chúng tôi, thi đại học năm đầu bị rớt, ai cũng quyết thi lại với mục tiêu vào đại học bằng được. Nhưng dù học lực giỏi, anh Nguyễn Văn T. vẫn chọn học một trường nghề. Khi chúng tôi đang là sinh viên ăn bám, anh đã là một thợ giỏi, giúp bố mẹ nuôi các em, rồi vừa học, vừa làm lấy bằng kỹ sư. Nỗ lực không ngừng, anh được cất nhắc làm quản đốc khi còn rất trẻ, rồi giám đốc công ty, Phó tổng Tập đoàn và hiện là Ủy viên Thường trực HĐQT Tập đoàn Thép Việt Nam, trong khi hầu hết bạn bè có bằng đại học vẫn chỉ là công chức quèn.

     Nếu nhiều người nói thời nay khác nhiều rồi, đừng kể chuyện cũ, thì đây, một điển hình khác: Đầu bếp Võ Hoàng Nhân. Không thi đại học, Nhân học nghề bếp và làm thêm để trang trải cuộc sống. Với khả năng vượt trội, Võ Hoàng Nhân đã được làm việc tại nhiều nhà hàng và tập đoàn danh tiếng như: Đại Nam, Unilever, Metro, Việt An Đông Plaza... và hiện là bếp trưởng nhà hàng Pho Bar ở Indonesia. Anh còn giành nhiều huy chương vàng, cúp vàng và danh hiệu quán quân Đầu bếp Đỉnh.

Vì sao phải là đại học

     CEO Netlink Online Communication Nguyễn Văn Dũng (sinh năm 1989), một cái tên được nhiều người biết tới trong giới công nghệ Việt Nam cũng là một điển hình về lập nghiệp thành công dù không qua môi trường đại học. Hoạt động trong lĩnh vực truyền thông và internet, Dũng hiện là nhà triệu phú trẻ tuổi với 5 triệu USD kiếm được mỗi năm.

     3 ví dụ trên cho thấy, đại học không phải là con đường duy nhất để thành công, dù rằng, việc học hành là cần thiết. Thế nhưng, có một thực tế đáng buồn là số cử nhân thạc sĩ thất nghiệp mỗi năm vẫn tăng, mà các trường nghề vẫn không tuyển sinh được.

     Tâm lý chuộng bằng cấp đang rất phổ biến ở nhiều gia đình Việt Nam. Từ khát vọng của bố mẹ, nhiều bạn trẻ bị “tấm bằng đỏ” chẹt mọi lối đi. Nhiều sinh viên buộc theo học các chuyên ngành không đúng sở trường, chỉ miễn để có bằng cho khỏi “thua chị, kém em”. “Cuồng vọng” đó tất yếu dẫn tới việc thi hộ, “chạy chọt”, mua điểm, mua bằng vào đại học.

     Rồi cuộc đua marathon lại tiếp tục kéo dài trên chặng đường chạy chọt, lót tay vượt qua kỳ thi tuyển vào cơ quan Nhà nước. Nhiều sinh viên ra trường không xin được việc làm, tiếp tục học cao học. Thế là, có bằng cấp cao hơn, không ít người lọt được vào bộ máy Nhà nước. Đương nhiên, họ không thể là cán bộ giỏi được. Nhưng ở ta, đã vào biên chế thì dốt mấy vẫn không bị loại nếu chẳng may bị kỷ luật.

     Chính quan niệm chưa đúng của nhiều phụ huynh và cách dùng người không dựa trên thực chất tại nhiều cơ quan Nhà nước khiến cho lớp trẻ chỉ muốn vào đại học, không muốn học nghề. Hệ lụy là hiện có tới 162.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Trong khi số người học nghề ra trường có việc làm lên tới 70% với mức lương khởi điểm bình quân 3,6 triệu đồng/tháng, một số nghề có mức lương khá như điều khiển phương tiện thủy nội địa (7 triệu đồng), vận hành cần, cẩu trục (4 - 7 triệu đồng)...

     Theo các chuyên gia, sự phân luồng giáo dục chưa hợp lý là nguyên nhân khiến số cử nhân thất nghiệp ngày càng tăng trong khi nhiều nghề lại thiếu lao động. Ngay trong phiếu đăng ký thi THPT và xét đại học, cao đẳng cũng không có chỗ đăng ký nguyện vọng vào các trường trung cấp nghề.

     Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội từng than thở, mùa tuyển sinh năm 2017, các trường dạy nghề của Hà Nội chỉ tuyển được hơn 50% chỉ tiêu giao, trong đó hơn 25% trường không có học sinh mới. Sở GD&ĐT nhiều tỉnh cũng cho biết, số học sinh học nghề tiếp tục giảm. Tôi biết, không tuyển sinh được, nhiều trường phải giải thể.

Thanh Hằng (baogiaothong.vn – 06/04/2017)


 
Hotline:

028.3989 3967 - 028.3989 3968

Tư vấn tuyển sinh - TV2

  

Tư vấn tuyển sinh - TV1

  

Thông báo mới
Điểm tin
Top