Đề thi phải có tính văn hóa 
và giáo dục cao
22/06/2016

TTO - Dù đổi mới đến đâu, phá cách thế nào, các vấn đề, sự kiện thời sự được lồng ghép trong đề thi cũng cần phải có tính văn hóa và giáo dục cao.

Đề thi phải có tính văn hóa 
và giáo dục cao

“Không thể cứ cái gì “nóng” là đưa ngay vào đề thi, dễ khiến các em nhầm lẫn giữa đề thi chính thống với một đề thi thị trường

Sau khi đọc bài “Cá chết, xâm nhập mặn, nước biển dâng vào đề thi lớp 10” trên báo Tuổi Trẻ ngày 13-6, tôi cho rằng đừng nên lạm dụng thực tế vào đề thi, vì rất dễ đẩy học sinh vào thế bí, thậm 
chí tiêu cực.

Trước đó, nhiều sở GD-ĐT, nhiều trường đã thử nghiệm cách đưa vấn đề thực tế vào đề thi, như đề thi thử của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) trích dẫn nội dung từ bài viết “Thạc sĩ, cử nhân học trung cấp: Đi lùi tìm giá trị thực” đăng tải trên báo Dân Trí: “Thực tế thất nghiệp đã mở ra làn sóng liên thông “ngược” khi thạc sĩ, cử nhân đổ xô học trung cấp để kiếm việc làm”. Từ đó, yêu cầu học sinh trình bày suy nghĩ về hiện tượng này trong bài văn khoảng 600 từ.

Rồi đề kiểm tra học kỳ 2 môn ngữ văn lớp 12 của Quảng Ngãi yêu cầu học sinh viết một bài văn nghị luận (khoảng 300 từ) bày tỏ suy nghĩ của mình về hiện tượng chọn nghề theo thị hiếu xã hội của không ít học sinh hiện nay.

Tôi nghĩ những vấn đề như thất nghiệp mà một trường THPT trích dẫn trong đề thi dễ khiến học sinh hoang mang trước nạn thất nghiệp đang hoành hành. Hiện tượng nhiều bạn trẻ có thói quen nghiện chụp ảnh “tự sướng” để thể hiện bản thân, khẳng định cái tôi của mình đã xuất hiện trong đề thi văn kỳ thi thử THPT quốc gia của Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quảng Ninh).

Còn ở TP.HCM, Trường THPT Lê Quý Đôn đưa nhiều vấn đề thời sự nóng sốt vào đề kiểm tra văn học kỳ 2 lớp 12, như có câu nghị luận xã hội đề cập đến hai quan điểm khác nhau về sự tử tế. Giữa ý kiến “Tử tế là mạch sống tình người, đừng làm nó chết” và ý kiến khác “Xã hội ngày nay sống tử tế là quá khó khăn”. Đề đặt câu hỏi cho học sinh: Vậy anh/chị hiểu thế nào là sống tử tế? Hãy trình bày quan điểm của bản thân về sống tử tế trong cuộc sống hiện nay.

Rồi chuyện đưa vấn đề xôn xao dư luận sau vụ cá chết ở biển miền Trung như “chọn cá tôm hay chọn nhà máy” cũng được đưa vào đề văn của học sinh lớp 12.

Gần đây nhất là chuyện cá chết, xâm nhập mặn, nước biển dâng được đưa vào đề thi văn lớp 10 của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Dù không bất ngờ nhưng dưới góc độ một giáo viên, tôi cho rằng đề thi này hơi khiên cưỡng. Không thể chạy đua với dư luận đang dậy sóng để đưa vấn đề 
nóng vào đề thi.

Tôi không phủ nhận mặt tích cực của các vấn đề nóng đưa vào đề thi, tuy nhiên dù thời sự thì cũng cần có định hướng, có tính giáo dục chứ không thể để các em suy nghĩ “bầy đàn”. Nhất là những vấn đề, sự kiện nhạy cảm, nếu không có sự chọn lọc nghiêm túc, không phù hợp với lứa tuổi sẽ dễ đẩy học sinh vào thế “chém gió”, thậm chí nặng hơn - có thể các em sẽ có cái nhìn lệch lạc, sai trái.

Nhiều năm đứng trên bục giảng, tôi nghĩ rằng đổi mới trong giáo dục, thi cử, dạy học luôn là vấn đề cấp thiết. Tuy nhiên, chúng ta không thể chạy đua với dư luận đang dậy sóng để đưa vấn đề nóng vào đề thi. Vì giáo dục luôn cần sự chuẩn mực, dù có sáng tạo thì cũng phải hướng tới mục tiêu nhân văn, chứ không phải chỉ lo đuổi theo thời sự.

Thay vì yêu cầu các em viết nghị luận dựa trên nhìn nhận vấn đề trực diện về cá chết, tại sao người ra đề không định hướng theo kiểu cho các em được nhập vai để chung tay bảo vệ môi trường chẳng hạn? Nếu đưa tính thời sự vào đề thi thì cần phải có sự cân nhắc lứa tuổi của học sinh. Vấn đề quá lớn, quá vĩ mô sẽ là nỗi sợ hãi đối với các em.

Trong những giờ ngoại khóa, tôi vẫn thường xuyên trò chuyện với học sinh về những vấn đề thời sự như thất nghiệp, cá chết, bảo vệ môi trường... những câu hỏi các em đặt ra rất nhiều và thầy trò cùng thảo luận. Đó là cơ hội để tôi có thể định hướng học sinh có suy nghĩ tích cực hơn, giúp các em có cái nhìn đúng đắn hơn về việc bảo vệ biển cũng như môi trường sống nói chung.

Chưa nói đến chuyện đây là vấn đề quá nhạy cảm mà học sinh phổ thông chưa thể có cái nhìn xác đáng, đúng mực, điều tôi muốn nhấn mạnh chính là nỗi lo sợ sự tiêu cực trong suy nghĩ của các em. Đổi mới là không sai, tuy nhiên nếu không phù hợp thì việc lạm dụng sẽ thành lạm phát và để lại những hệ lụy xấu.

Xu hướng ra đề thời sự

Lạm dụng vấn đề nóng nhiều sẽ trở thành lạm phát, để rồi đề thi lại biến tướng thành trò chơi. Bởi tự khi nào tôi thấy rằng nhiều trường, nhiều địa phương đang chạy theo xu hướng ra đề thời sự như một cái mốt. Nhiều người cho rằng đó là cách làm mới mẻ, giúp học sinh có cách tiếp cận mới.

Thế nhưng xét về lứa tuổi học sinh, các em chưa đủ nhận thức để phân tích, đánh giá cũng như lập luận vấn đề lớn thế này.

 
CAO LONG (tuoitre.vn)

 
Hotline:

(+84) 28 39893967

Admission Consultant

Admission Consultant

New Announces
Hot News
Top