Tuyển sinh ĐH, CĐ 2016: Nguồn tuyển trong mối tương quan bảo đảm chất lượng đào tạo
27/05/2016

rước đây, được Bộ GD&ĐT cấp phép đã có một nhóm 10 trường đại học phía Bắc do Đại học Bách khoa Hà Nội chủ trì và nhóm trường đại học miền Trung do Đại học Đà Nẵng chủ trì sẽ xét tuyển vào các trường này theo nhóm. Cùng hướng đến mục đích giảm áp lực cho xã hội và người học, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng nguồn tuyển, là những điều được nhiều trường hướng đến.

Đánh giá năng lực người học

Đây là năm thứ 2 ĐHQG Hà Nội triển khai tuyển sinh bằng hình thức thi đánh giá năng lực (ĐGNL) trên máy tính. Phương thức này được coi là đảm bảo được những tiêu chí quan trọng nhất của một kỳ thi là khách quan, công bằng và chính xác.

Sau khi làm bài, thí sinh sẽ biết điểm ngay và điểm bài thi này có giá trị trong 24 tháng (điểm ngoại ngữ 12 tháng) để thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường thành viên của ĐHQG Hà Nội và các trường đại học có đăng ký với ĐHQG Hà Nội dùng kết quả thi này để xét tuyển người học.

Nếu năm 2015, kỳ thi lần đầu tiên được ĐHQG Hà Nội thực hiện đã thu hút được số đông thí sinh tham gia thì năm 2016 này, số lượng thí sinh tham dự lớn hơn nhiều. Chỉ tính riêng đợt 1 của kỳ thi đã có 70.000 lượt thí sinh đăng ký dự thi (số dự thi đạt tỷ lệ trên 95%), cao gấp 1,5 lần so với đợt 1 năm 2015 (45.000 lượt).

Theo PGS.TS Nguyễn Kim Sơn – Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội: Đề thi của kỳ thi ĐGNL không đánh đố, mà cần năng lực giải quyết thực sự. Với số lượng thí sinh đăng ký dự thi tăng hơn nhiều so với năm ngoái, đặc biệt, với việc có thêm nhiều trường ngoài ĐHQG Hà Nội đăng ký tổ chức và sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực đã phần nào cho thấy xã hội, người học đã quan tâm nhiều hơn đến kỳ thi.

Đánh giá cao cách thức thi này, ông Cao Xuân Hùng – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định, cho rằng: Mỗi kỳ thi điều quan trọng nhất là làm thế nào để đánh giá được khách quan và chính xác năng lực học tập của mỗi người, xã hội mong muốn và đòi hỏi sự công bằng đó.

Luật Giáo dục đại học cho phép các trường được quyền tự chủ trong tuyển sinh, khi không ít trường còn đang lúng túng với cách thức xét tuyển thì ĐHQG Hà Nội đã tiên phong đổi mới tuyển sinh theo cách thức thi ĐGNL người học. Ý nghĩa và giá trị kỳ thi là rất lớn, khi kỳ thi “3 chung” được bỏ, với cách thức thi ĐGNL tôi cho rằng, sẽ giúp các trường tuyển sinh người học chính xác với tiêu chí của mình.

Xét tuyển theo nhóm

Theo nhận định của nhiều chuyên gia tuyển sinh, thành công của kỳ thi ĐGNL để tuyển sinh vào đại học chính quy năm 2016 đã được nhìn nhận ngay từ năm 2015 sau kỳ thi đầu tiên được trường này tổ chức.

Lúc đó, những người làm giáo dục đặc biệt là các nhà trường đều nhận thấy kỳ thi này có những nền tảng để có thể hoàn toàn tin cậy để đảm bảo việc đánh giá chính xác năng lực thí sinh trong việc xét tuyển vào các trường đại học. Thế nên, số thí sinh đăng ký dự thi tăng tới 1,5 lần trong đợt 1 của kỳ thi này là việc hoàn toàn có thể đoán trước được.

Năm 2016 này, ngoài kỳ thi ĐGNL của ĐHQG Hà Nội thì cũng có 2 nhóm xét tuyển chung tại Hà Nội và Đà Nẵng đã được Bộ GD&ĐT chính thức đồng ý cho triển khai được mong chờ như là giải pháp hữu hiệu để chống ảo, đồng thời cũng giúp các trường tuyển người học gần với tiêu chí và năng lực hơn.

Đây cũng là những nhóm giải pháp được xã hội và các chuyên gia tuyển sinh đánh giá cao vì sẽ giải quyết căn bản tình trạng thí sinh ảo như năm 2015 nhưng vẫn đảm bảocông tác tuyển sinh công bằng, minh bạch; đảm bảo chất lượng tuyển sinh dựa trên nguồn lực thực tế của trường mà không vi phạm quyền tự chủ của các trường đại học trong tuyển sinh.

Xã hội, thí sinh và các chuyên gia tuyển sinh đang thể hiện sự tin tưởng khi các phương án xét tuyển đã được chuẩn bị kỹ, các trường hoàn toàn được chủ động trong việc thực hiện lựa chọn phương án tối ưu cho riêng mình. Xem ra, mọi việc đều đã được các chuyên gia tuyển sinh của Bộ GD&ĐT tính toán kỹ, có thể xét tuyển theo nhóm hoặc tìm đến sự liên kết của nhiều nhóm với nhau với sự hỗ trợ của phần mềm tuyển sinh.

Sự đa dạng hóa trong các hình thức xét tuyển năm 2016, có thể xét tuyển theo nhóm trường, hoặc xét tuyển đơn lẻ riêng từng trường là quyền tự chủ của mỗi trường. Sẽ có những trường đại học uy tín tuyển sinh sẽ rất đơn giản, trái lại cũng sẽ có những trường lại tiếp tục khó khăn vì thiếu vắng người học.

Trong một môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, vẫn biết là nếu không có người học sẽ khó khăn cho hoạt động, nhưng có một điều các trường cũng cần phải chú trọng đến chất lượng nguồn tuyển, vì đây cũng là căn cứ quan trọng để đảm bảo chất lượng đào tạo sau này.

TS Trương Tiến Tùng – Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội cho biết: Chưa tham gia nhóm xét tuyển, nhưng Viện Đại học Mở Hà Nội vẫn hết sức tự tin vào Kỳ thi THPT quốc gia và các phương án xét tuyển đã được đề xuất. Việc có được nguồn tuyển chất lượng cũng đồng nghĩa với nâng cao chất lượng đào tạo, đây là mong muốn của nhiều trường.

Tuy nhiên, nếu chạy theo số lượng thì sẽ khó có chất lượng, khi một trường đào tạo kém chất lượng thì xã hội sẽ đánh giá và người học sẽ xa lánh. Chúng tôi cũng đã xây dựng các phương án xét tuyển thuận lợi nhất cho thí sinh, đồng thời đảm bảo tuyển chọn người học chất lượng.

Việc quy định thí sinh không được thay đổi nguyện vọng hoặc rút hồ sơ vì được đăng ký nhiều ngành, nhiều trường hơn và có thể tùy chọn hình thức đăng ký cũng như rút ngắn thời gian các đợt xét tuyển là những thay đổi có lợi cho thí sinh và nhà trường.

Theo GDTĐ, nguồn: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/tuyen-sinh-dh-cd-2016-nguon-tuyen-trong-moi-tuong-quan-bao-dam-chat-luong-dao-tao-1891893-b.html


 
Hotline:

(+84) 28 39893967

Admission Consultant

Admission Consultant

New Announces
Hot News
Top