Bí quyết giúp sinh viên có thể chép bài vừa nhanh vừa hiệu quả
29/07/2017

Lên Đại học rồi, làm gì có kiểu thầy đọc cho trò chép nữa chứ. Thế nên muốn ghi được bài giảng của thầy cô, nhất định phải biết bí quyết chép bài nhanh mà vẫn đủ nội dung quan trọng.

Và dưới đây chính là những cách có thể giúp bạn ghi lại được hết những nội dung mà giảng viên đã truyền tải ở lớp:

1. Ghi âm bài giảng

Không chỉ giúp bạn viết được đầy đủ nội dung, việc ghi âm còn giúp bạn nghe lại những gì thầy cô đã giảng trong buổi học hôm đó vào bất cứ lúc nào. Đây chính là cách an toàn nhất, mặc dù cũng khá mất thời gian để nghe và chép lại những kiến thức bị bỏ sót trên lớp.

2. Đừng quên ghi ngày tháng 

Khối lượng kiến thức bạn được học/ nghe giảng ở Đại học thực sự rất nhiều, và ở mỗi buổi học bạn có thể phải thu nạp không ít thứ. Vậy nên, để tránh nhầm lẫn, tiện cho tra cứu và ôn tập sau này, hãy nhớ ghi lại ngày tháng cho mỗi lần ghi chép.

3. Nhớ ghi tựa đề bài giảng

Tương tự như ghi ngày tháng, việc ghi lại tựa đề bài giảng hay nội dung chính của buổi học hôm đó sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian khi tra cứu thông tin và rất tiện nếu bạn muốn hệ thống hoá lại kiến thức đã học.

4. Sử dụng ký hiệu

Vì tốc độ thầy cô giảng bài rất nhanh, lượng kiến thức ghi chép rất nhiều nên để chép được hết và theo kịp lời giảng, bạn nên sử dụng các ký hiệu, viết tắt, thậm chí cả hình vẽ... Dĩ nhiên là các ký hiệu đã sử dụng bạn phải hiểu được hết, có vậy mới hiệu quả khi đọc lại. 

5. Chú ý những từ khoá quan trọng

Không nhất thiết phải chép lại toàn bộ nội dung, nhưng bạn phải "bắt" được những từ khoá quan trọng trong bài giảng. Có được các từ khoá, bạn sẽ nắm được các nội dung chính của bài giảng hôm đó. Khi ôn tập cũng chỉ cần tập trung vào đó rồi dần dần tra cứu thêm.

6. Dùng bút nhớ

Không cần đẹp, chỉ cần chép đủ và hiệu quả. Vậy nên hãy sử dụng bút nhớ để kịp thời "highlight" lại những nội dung quan trọng, thiết yếu, không được quên... Sẽ rất tiện khi bạn ôn bài đấy!

Nguồn: ttvn.vn


 
New Announces
Hot News
Top