Trong giai đoạn 2011 - 2016, việc thúc đẩy tốc độ cổ phần hóa, chuyển hướng sử dụng nguồn vốn Nhà nước hiệu quả, thu hút nguồn vốn các thành phần kinh tế khác để làm động lực cho nền kinh tế đã trở thành chính sách lớn và cũng là đòi hỏi tất yếu của công cuộc đổi mới phát triển đất nước.
Tuy nhiên, đến nay hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước vẫn còn cầm chừng, hiệu suất sử dụng vốn chưa cao... và rất cần một "đòn bẩy" mạnh mẽ thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước trong giai đoạn tới.
Theo con số thống kê, trong giai đoạn này cả nước cổ phần hóa được 570 doanh nghiệp với tổng giá trị thực tế của các doanh nghiệp đạt 797.000 tỷ đồng; trong đó, vốn Nhà nước là 214.000 tỷ đồng; thoái vốn Nhà nước đạt khoảng 11.500 tỷ đồng và thu về 11.100 tỷ đồng.
Bước sang giai đoạn 2017-2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch cả nước phải cổ phần hóa được 127 doanh nghiệp, với lộ trình cụ thể là 44 doanh nghiệp trong năm 2017; 64 doanh nghiệp (2018), 18 doanh nghiệp (2019)...
Thực tế cho thấy, năm 2017 đã có 69 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, theo phương án được duyệt là vốn điều lệ 161.000 tỷ đồng và Nhà nước nắm giữ 85.365 tỷ đồng.
Còn trong 5 tháng đầu năm 2018, đã có 5 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, với tổng giá trị doanh nghiệp là 8.752 tỷ đồng; trong đó giá trị vốn Nhà nước là 2.644 tỷ đồng.
Theo TS. Luật sư Bùi Quang Tín, Giám đốc điều hành trường Doanh nhân BizLight phân tích, các Bộ, ngành, doanh nghiệp Nhà nước đã chú trọng bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược sau cổ phần hoá và khi trở thành công ty cổ phần, công tác quản trị, điều hành, quản lý thông tin có chuyển biến đáng kể.
Từ đó, tác động tích cực tới sự phát triển của thị trường chứng khoán, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước được nâng lên.
Dưới góc độ công ty chứng khoán, ông Phạm Lưu Hưng, Phó giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư Khách hàng tổ chức, Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn SSI cho rằng, hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đã mang lại những kết quả tích cực đối với thị trường.
Những năm trở lại đây, quá trình cổ phần hóa đã mang tính thực chất hơn. Các doanh nghiệp cổ phần hóa có quy mô lớn, doanh nghiệp đầu ngành, có tỷ lệ chào bán ra công chúng cũng như cổ đông chiến lược ở mức cao (trong một số trường hợp là thoái vốn toàn bộ).
Cùng với tính minh bạch cao hơn về công bố thông tin trước cổ phần hóa nên đã tạo được sức hút lớn đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.
Điều này góp phần tạo ra "làn sóng" đầu tư tích cực vào các đợt IPO, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước trong giai đoạn 2016-2018; đồng thời thúc đẩy tăng trưởng về chỉ số, quy mô, tính thanh khoản…
Nhiều cổ phiếu có vốn hóa lớn và tác động lớn đến thị trường vốn là các doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước trong giai đoạn này.
Mặc dù trong giai đoạn vừa qua, các địa phương và doanh nghiệp Nhà nước đã triển khai khá tốt việc xác định cổ đông chiến lược cho doanh nghiệp Nhà nước, cổ phần hóa thành công cũng từng bước khắc phục các lỗ hổng trong xác định giá trị doanh nghiệp...
Nhưng tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu và nợ quá hạn của doanh nghiệp Nhà nước còn cao, nhiều khoản đầu tư chưa mang lại hiệu quả. Trong đó, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được các chuyên gia nhận định là do kiểm soát nội bộ yếu và kiểm soát từ bên ngoài còn chưa theo kịp yêu cầu.
Số lượng doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa cao, nhưng tỷ lệ vốn Nhà nước bán ra lại thấp, xác định giá trị doanh nghiệp còn nhiều bất cập...
Ông Văn Đức Mười, nguyên Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản - VISSAN cho rằng, xác định giá trị doanh nghiệp cần phải linh hoạt, phù hợp với giá trị thị trường của doanh nghiệp, không nhất thiết phải thiên hướng về xác định bằng phương pháp tài sản.
Song song đó, quản trị cổ phần bằng tính chất cổ đông của doanh nghiệp cổ phần, không nên quản trị bằng sở hữu Nhà nước qua nhiều tầng nấc như lúc nào cũng phải xin ý kiến chủ sở hữu sẽ làm hạn chế tính linh hoạt và sự năng động.
Bởi quản lý vốn phải hạn chế tối đa sự can thiệp hành chính, tuân thủ quy luật, tư duy mới trong quản trị vốn và không nên đi vào chi tiết của quản trị.
Còn theo TS, Luật sư Bùi Quang Tín, cần xây dựng và áp dụng khung quản trị doanh nghiệp với các nguyên tắc phù hợp với chuẩn mực quốc tế tại các doanh nghiệp Nhà nước.
Trong việc quy định giới hạn tỷ lệ cổ phần với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài phải đảm bảo sự công bằng giữa nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và trong nước; đồng thời có thể cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tỷ lệ cổ phần giống như các cổ đông trong nước, cho phép họ sở hữu, chi phối ở các ngành, lĩnh vực không thiết yếu.
Riêng về định giá tài sản, thương hiệu, định giá đất, cần có sự giám sát chéo giữa các cơ quan nhằm đảm bảo tính độc lập, minh bạch trong quá trình định giá.
Kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2017-2020 đã được công bố với việc bước đầu cho phép áp dụng các hình thức bán vốn như phương pháp dựng sổ (nhà bảo lãnh phát hành chính cố gắng xác định mức giá chào bán chứng khoán dựa trên nhu cầu của các nhà đầu tư tổ chức).
Tuy nhiên, ông Phạm Lưu Hưng, Phó giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư Khách hàng tổ chức, Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn SSI cho biết, điều quan tâm của các thành viên thị trường là khả năng thực hiện các kế hoạch đó đúng với tiến độ đề ra, tránh có sự trì hoãn, chậm trễ và gây khó khăn cho các nhà đầu tư trong việc tham gia vào quá trình cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước.
Ngoài ra, các thông tin liên quan đến doanh nghiệp trước và sau cổ phần hóa cũng như việc định giá nên có tính thống nhất, hạn chế tình trạng sau cổ phần hóa, thoái vốn mới công bố các thông tin liên quan đến các sai phạm của doanh nghiệp trong quá khứ, tạo tâm lý không tốt cho các nhà đầu tư.
Theo BNEWS/TTXVN