Cũng như hai năm trước, năm nay, tỷ lệ thí sinh đăng ký xét tuyển đại học trên cả nước rất cao. Con đường ngày càng rộng mở khi bên cạnh nhiều nguyện vọng đăng ký, thí sinh còn có cơ hội vào đại học theo hình thức xét tuyển học bạ hoặc thi tuyển riêng với các yêu cầu không quá phức tạp. Thế nhưng, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, khi mọi thứ trở nên dễ dàng, thí sinh phải biết tự cân nhắc để đưa ra chọn lựa phù hợp nhất. Vì nếu năng lực, điều kiện không cho phép mà vẫn cố vào đại học bằng mọi giá thì đôi khi phải bỏ cuộc giữa chừng.
Thông tin từ Bộ Giáo dục – Đào tạo cho biết, trong số gần 866 ngàn thí sinh tham gia kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm nay, có đến trên 640 ngàn thí sinh đăng ký sử dụng kết quả để xét tuyển đại học. Bên cạnh xét tuyển từ điểm thi Trung học phổ thông quốc gia, các trường còn có nhiều hình thức xét tuyển khác như thi tuyển, xét học bạ… Do vậy, việc có một suất vào đại học giờ đây không còn quá khó như trước kia.
Theo Thạc sĩ Trịnh Hữu Chung, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Hồng Bàng, việc vào đại học là cần thiết vì trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ như hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp cần nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, sinh viên phải chọn ngành nghề đúng năng lực thì bằng cấp mới thực sự có giá trị: “Quan trọng là các em phải chọn những ngành nghề nào mà tương lai xã hội sẽ cần nhiều. Khi đã chọn thì phải có niềm đam mê theo đuổi ngành nghề đó, yêu thích nghề đó chứ không phải học cho xong, học cho có. Nếu các bạn cứ nghĩ bằng mọi cách phải vào đại học bất kỳ ngành nào cũng được thì điều đó sẽ là gánh nặng cho xã hội sau này.”.
Thạc sĩ Ngô Thị Quỳnh Xuân, Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn cho rằng, tùy ngành nghề và nhu cầu của bản thân mà sinh viên lựa chọn bậc học phù hợp, chứ không nhất thiết phải ép mình vào đại học cho bằng bạn bằng bè. Điều quan trọng nhất là người học phải biết tự lượng sức mình để có thể theo đuổi đến cùng con đường học vấn. Muốn làm tốt điều này, thí sinh cần được trang bị đầy đủ thông tin hướng nghiệp, phân luồng khi vừa hoàn thành chương trình trung học cơ sở.
Khi chọn ngành học, theo Thạc sĩ Ngô Thị Quỳnh Xuân, thí sinh cần lưu ý những vấn đề sau: “Trước tiên người học phải cân nhắc xem nguồn nhân lực của tỉnh, thành mình sống có nhu cầu về ngành nghề đó hay không. Thứ hai phải xem năng lực của bạn có phù hợp với ngành nghề mà mình yêu thích hay không. Thứ ba là điều kiện kinh tế gia đình. Cuối cùng của việc học cho dù vào trung cấp, cao đẳng hay đại học là các bạn phải có được một công việc xứng đáng với năng lực bản thân.”.
Đồng quan điểm, ông Đỗ Văn Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Dạy nghề chính quy, Tổng Cục dạy nghề, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cho rằng, mỗi bậc học đều có giá trị và chức năng riêng. Điều quan trọng không phải thí sinh học bậc học gì mà là các em học như thế nào, tiếp thu được bao nhiêu với năng lực hiện có của bản thân. Nếu tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng nhưng vững chuyên môn, giàu kỹ năng thì cơ hội việc làm đôi khi còn nhiều hơn.
Ông Đỗ Văn Giang nói: “Muốn lập thân lập nghiệp không nhất thiết các em cứ phải vào đại học mà các em có thể có một lối rẽ khác đó là vào học tại các trường cao đẳng, trung cấp. Đặc trưng nổi trội của các trường cao đẳng và trung cấp là sinh viên học thực hành nhiều hơn. Các em được học 70% thực hành và 30% lý thuyết. Dẫn đến cơ hội việc làm cho các em nhiều hơn”.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức cho rằng, trên thực tế, điều doanh nghiệp đánh giá cao ở ứng viên không phải bằng cấp mà là năng lực làm việc và kỹ năng mềm.
Bà Nguyễn Thị Lý khuyên thí sinh nên sáng suốt tìm đường đi phù hợp với khả năng của bản thân: “Các em hãy nắm bắt cơ hội nghề nghiệp của mình và rõ ràng trong định hướng của bản thân. Việc mình làm phải phù hợp với năng lực. Con đường vào đại học cũng dễ dàng sau khi các em hoàn thành bậc cao đẳng, trung cấp. Không chỉ có con đường thẳng vào đại học mà các em còn có những con đường vòng. Chính những đường vòng đó sẽ cho các em nhiều sự trải nghiệm về các kỹ năng thực hành.”.
Theo các chuyên gia giáo dục, điều quan trọng hơn cả bằng cấp đó chính là sự phù hợp và niềm đam mê đối với ngành nghề mình theo học. Khi chọn đúng ngành, đúng trường, người học sẽ phát huy tốt năng lực vốn có để đạt được những mục tiêu mình đề ra./.
Theo VOV
- Thông tin tuyển sinh 2024 - Trường Cao đẳng Miền Nam
- Tuyển sinh Cao đẳng Liên thông 2024
- Thông tin tuyển sinh 2023 - Trường Cao đẳng Miền Nam
- Thông tin tuyển sinh 2022 - Trường Cao đẳng Miền Nam
- Xét tuyển bổ sung 2021: Nhập học từ 26/10-5/11 - học bổng lên tới 3,0 triệu đồng