Mẹo phòng tránh bệnh hô hấp khi trời lạnh đột ngột
13/01/2018

Nhiễm lạnh có thể gây nên hậu quả nghiêm trọng như sốt cao, co giật, hôn mê nguy kịch và dẫn tới tử vong. Do vậy ngay khi thấy có một trong các dấu hiệu bất thường, nên ủ ấm người bệnh và đưa đến cơ sở y tế gần nhất để phòng tránh các nguy cơ.

phòng tránh bệnh hô hấp mùa lạnh
Mẹo phòng tránh bệnh hô hấp khi trời lạnh đột ngột

Trao đổi với Vnexpress, bác sỹ Phan Lương Ánh Linh, Chuyên khoa Nội Hô Hấp, bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn, thời tiết lạnh đột ngột làm cho các bệnh về hô hấp ở người già, trẻ em gia tăng. Những bệnh nhân bị hen dễ bị tái phát và trở nặng hơn. Do vậy mọi người cần nâng cao ý thức phòng bệnh, hạn chế rủi ro.

Theo bác sĩ, để ngừa bệnh hô hấp, nguyên tắc đầu tiên là giữ ấm vùng mũi – cổ – ngực.

Khi ở trong nhà cũng nên mặc áo chống rét, chọn loại áo cao cổ, choàng khăn. Nên trang bị dụng cụ sưởi hoặc lò sưởi làm ấm không khí và đóng cửa để tránh gió lùa vào nhà.

Khi ra đường phải bịt khẩu trang để tránh hít phải khí lạnh sẽ ảnh hưởng nhiều đến tai, mũi, họng và đường hô hấp. Tốt nhất nên hạn chế ra đường, chỉ khi có việc cần mới đi, nên trở về nhà sớm.

Bên cạnh đó, cần đảm bảo nguyên tắc ăn chín uống sôi. Nên dùng những thức ăn nóng ấm, rắc thêm ít tiêu sẽ giúp làm ấm vùng phổi.

Để phòng và chống lạnh, mọi người nên ăn thường xuyên một số thức ăn có tác dụng điều hòa hệ miễn dịch như gừng, nghệ, riềng, tỏi, tía tô, kinh giới, hẹ…

Vào ban đêm cần làm ấm lòng bàn chân, vùng lưng (khoảng gian bả vai – cột sống và thắt lưng) và trước cổ…. Có thể dùng phương pháp xoa ấn nhẹ nhàng các vùng trên với ít tinh dầu thực vật (khuynh diệp, tràm, bạc hà…).

Rau, trái cây tươi, tăng cường vitamin D (sữa, trứng, salmon, nước cam, phơi nắng buổi sáng), omega-3 (có trong cá)… Các loại rau củ chứa beta-caroten, vitamin A, như: cà rốt, ớt chuông, rau có màu xanh đậm, khoai lang, broccoli; loại có nhiều magnesium như hạt bí ngô, spinach, chocolate đen, cá hồi, nho, cà chua.

Hạn chế thức ăn có nhiều chất bảo quản và gia vị; thức ăn chế biến sẵn với nhiều chất mỡ béo; một số loại đậu, cải bắp, hành… sinh nhiều ga dễ gây chướng bụng và đẩy cơ hoành lên cao nên khó thở.

phòng nhiễm lạnh mùa đông
Ảnh: Predia

Với những trường hợp lỡ bị nhiễm trùng vùng mũi – họng, mọi người không uống lạnh, hạn chế ăn ngọt và thực phẩm nhiều tinh bột như cơm nếp, bánh nếp. Những chất này sẽ làm cho cơ thể tiết nhiều đàm hơn khiến bệnh trầm trọng hơn.

Tắm quá lâu, tắm nước lạnh khi nhiệt độ ngoài trời hạ thấp vô cùng nguy hiểm, thậm chí dẫn tới tử vong. Vì thế cần tăng nhiệt độ nước tắm, tắm trong phòng kín gió và tuyệt đối không tắm quá lâu.

Nếu nhiệt độ ngoài trời quá thấp, nên hạn chế tắm nhiều, chỉ cần vệ sinh bằng khăn ẩm và tắm 2 ngày một lần là đủ.

Nhiệt độ ngoài trời lúc sáng sớm hoặc tối muộn thường rất lạnh và thường có những cơn gió mạnh, gió độc. Do đó khi ra ngoài trong khoảng thời gian này sẽ khiến cơ thể bị nhiễm lạnh, dễ dẫn tới cảm lạnh, ảnh hưởng tới hệ thần kinh có thể gây méo miệng.

Thậm chí, một số người có sức đề kháng quá yếu, trẻ em hoặc các cụ lớn tuổi ra khỏi nhà trong điều kiện nhiệt độ như vậy tiềm ẩn nguy cơ đe dọa tính mạng.

Phương Nam

dkt.tv


 
Hot News
Top