Bộ GD-ĐT sẽ loại bỏ những cuộc thi không thiết thực trong trường học
Ngày 23.12, thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đã có công văn gửi tới Giám đốc Sở GD-ĐT yêu cầu rà soát lại toàn bộ các trường trên địa bàn về các cuộc thi dành cho giáo viên, học sinh đang được tổ chức.
Theo công văn, những cuộc thi nào bị đánh giá là không thiết thực, tạo áp lực với học sinh, giáo viên và nhà trường, làm ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học, gây băn khoăn cho giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và xã hội sẽ bị loại bỏ. Nêu rõ những hạn chế, ưu điểm của chính cuộc thi đó đối với từng giáo viên, học sinh. Ngoài ra, Sở GD-ĐT còn có trách nhiệm đưa những đề xuất triển khai loại bỏ hoặc phát triển các cuộc thi vì lợi ích trong thời gian tới. Việc báo cáo rà soát của các sở phải được gửi về Bộ GD-ĐT trước ngày 26.12.
Trước đó, cũng vào 9.12, thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đã ký công văn gửi Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh nội dung liên quan đến cuộc thi trực tuyến “Chinh phục vũ môn” dành cho học sinh. Công văn của Bộ GD-ĐT nêu rõ, cuộc thi trực tuyến “Chinh phục vũ môn” dành cho học sinh trung học cơ sở do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh khởi xướng, chủ trì tổ chức từ năm học 2014-2015.
Theo phản ánh của một số phụ huynh và báo chí, trong thời gian gần đây, cuộc thi đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập về đối tượng tham gia dự thi, về công tác tuyên truyền, về tổ chức giám sát hoạt động thi tại các trường học... làm cho các bậc phụ huynh lo lắng đến sức khỏe và việc học tập của các em học sinh. Từ thực tế trên, Bộ GD-ĐT đề nghị Trung ương Đoàn trước mắt tạm dừng tổ chức cuộc thi “Chinh phục vũ môn”; phối hợp với Bộ GD-ĐT tiến hành kiểm tra, rà soát các vấn đề liên quan đến cuộc thi mà dư luận đang quan tâm.
Bên cạnh đó, công văn cũng nêu rõ mục tiêu giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tăng cường kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học
Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) vừa công bố Dự thảo Thông tư Ban hành Quy định về Kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học để lấy ý kiến rộng rãi trước khi ban hành.
Dự thảo Thông tư Quy định về Kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học nhằm thực hiện chủ trương đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng giáo dục theo hướng tiếp cận với khu vực và quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng nhất là từ sau khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thành lập.
Dự thảo Quy định quy định cả về bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục và quy trình, chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục, áp dụng cho việc đánh giá đối với các học viện, trường đại học.
Cụ thể, bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục được xây dựng dựa trên bộ tiêu chuẩn đánh giá cơ sở giáo dục do Mạng lưới các trường đại học ASEAN mới ban hành tháng 7 năm nay, gồm có 25 tiêu chuẩn, 111 tiêu chí, đánh giá toàn bộ hoạt động của một cơ sở giáo dục đại học. Các tiêu chuẩn, tiêu chí được chia thành 04 nhóm, gồm: Đảm bảo chất lượng về mặt chiến lược; Đảm bảo chất lượng về mặt hệ thống; Đảm bảo chất lượng về mặt thực hiện chức năng; Kết quả hoạt động.
So với bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng trường đại học hiện hành, bộ tiêu chuẩn mới có nhiều tiêu chuẩn và tiêu chí hơn. Việc đánh giá và công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng có sự thay đổi cơ bản so với quy định hiện hành. Từng tiêu chí được đánh giá theo thang 7 mức để đánh giá thay vì chỉ có mức đạt và chưa đạt như hiện nay. Cơ sở giáo dục được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng khi có điểm trung bình của các tiêu chuẩn trong từng nhóm đều đạt từ mức 3,5 điểm trở lên và không có tiêu chuẩn nào có điểm trung bình dưới 2,0 điểm.
Dự thảo Quy định Kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học cũng quy định rõ hơn về những việc cần thực hiện trong cả chu kỳ kiểm định, nhất là sau khi cơ sở giáo dục được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng. Có các quy định về khuyến khích và chế tài đối với kết quả thực hiện công tác kiểm định chất lượng đối với các cơ sở giáo dục.
Dự thảo cũng quy định cụ thể về việc chuyển tiếp giữa quy định hiện hành và quy định mới. Theo đó, đối với những cơ sở giáo dục đang đánh giá theo bộ tiêu chuẩn hiện hành thì được thực hiện tiếp quy trình kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định hiện hành trong giai đoạn chuyển tiếp theo các mốc thời gian quy định như sau:
Việc tự đánh giá và đăng ký đánh giá ngoài với tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục thực hiện cho đến hết ngày 30/6/2017.
Việc đánh giá ngoài đối với các cơ sở giáo dục này được thực hiện cho đến hết ngày 31/12/2017.
Việc thẩm định kết quả đánh giá và công nhận cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn chất lượng được thực hiện cho đến hết ngày 30/6/2018.
Sau khi được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định hiện hành và có hiệu lực trong thời gian 5 năm, các cơ sở giáo dục cũng có thể đăng ký để đánh giá thêm theo quy định mới.
Dự kiến, Thông tư về Quy định về Kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học sau khi được ban hành sẽ thay thế một số văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo, gồm: Quyết định số 65 năm 2007, quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường đại học; Điều 1, Điều 2 của Thông tư số 37 năm 2012; Các quy định về quy trình, chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục đối với các đại học, học viện, trường đại học tại Thông tư số 62 năm 2012 về quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục trường đại học, cao đẳng và Trung cấp chuyên nghiệp.
Bộ GD&ĐT yêu cầu rà soát toàn bộ cuộc thi trong nhà trường
Ngày 22/12, Bộ GD&ĐT gửi công văn yêu cầu các sở GD&ĐT rà soát toàn bộ cuộc thi trong nhà trường nhằm loại bỏ những cuộc thi không thiết thực.
Theo công văn, Bộ GD&ĐT yêu cầu rà soát thực trạng các cuộc thi dành cho giáo viên, học sinh nhằm đổi mới nội dung và hình thức tổ chức giáo dục phổ thông theo hướng tinh giản, thiết thực và hiệu quả.
Sau khi rà soát, bộ sẽ loại bỏ những cuộc thi không thiết thực, tạo áp lực cho học sinh, giáo viên, nhà trường, làm ảnh hưởng hoạt động dạy và học, gây băn khoăn cho giáo viên, học sinh, phụ huynh và xã hội.
Bộ GD&ĐT đề nghị các sở GD&ĐT tiến hành rà soát, báo cáo về các cuộc thi dành cho giáo viên và học sinh hiện nay, làm rõ ưu điểm và hạn chế, cũng như khó khăn của giáo viên và học sinh khi tham gia các cuộc thi này, đồng thời đề xuất hướng triển khai thời gian tới.
Các sở hoàn tất việc rà soát và báo cáo lên bộ trước ngày 26/12.
Trước đó, Bộ GD&ĐT cũng gửi công văn về việc tạm dừng cuộc thi Chinh phục vũ môn sau khi phụ huynh phản ánh nội dung cuộc thi không phù hợp học sinh tiểu học.
Bên cạnh đó, vì thành tích, nhiều phụ huynh, giáo viên ép con tham gia các cuộc thi trí tuệ trực tuyến, gia tăng áp lực học tập lên học sinh.
Tổng hợp (kenhtuyensinh.vn)