Giúp nhà đầu tư kiếm bộn tiền năm 2016, ngành dược kinh doanh thế nào?
26/10/2017

Năm 2016 là năm thăng hoa của cổ phiếu ngành y tế, dược phẩm. Trong 16 cổ phiếu ngành đang niêm yết/ đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán thì có đến 15 cổ phiếu tăng giá trong năm 2016.

ngành dược kiếm bộn tiền năm 2016

Thông thường, dòng tiền thường tìm kiếm đến cổ phiếu dược vào những lúc thị trường giảm điểm bởi sự tăng trưởng ổn định, an toàn. Ngành dược mang lại cảm giác an toàn bởi giao dịch cổ phiếu ngành này hiếm khi sôi động, khối lượng giao dịch nhiều lúc thấp đến nỗi nhà đầu tư cảm thấy cô đơn như một mình giữa chợ to.

Dù nhiều khi đủng đỉnh, chậm rãi đến mức nhà đầu tư chỉ chực “nổi khùng” khi xung quanh toàn cổ phiếu nóng tăng nhanh nhưng nếu nhà đầu tư đủ kiên nhẫn thì năm 2016 là một năm tuyệt vời cho ai lựa chọn ngành dược làm nơi trú thân cho túi tiền của mình.

Cổ phiếu ngành dược tăng chóng mặt năm 2016

Năm 2016 là năm thăng hoa của cổ phiếu ngành y tế, dược phẩm. Trong 16 cổ phiếu ngành đang niêm yết/ đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán thì có đến 15 cổ phiếu tăng giá trong năm 2016. Chỉ có cổ phiếu NDC của Công ty Nam Dược giảm giá 12% trong năm.

Cá biệt có 4 cổ phiếu ngành dược đạt mức tăng giá trên 100% trong năm 2016 là AMV của CTCP Sản xuất Kinh doanh Dược và Trang thiết bị Y tế Việt Mỹ; cổ phiếu DCL của Dược Cửu Long; cổ phiếu DMC của Domesco; cổ phiếu DP3 của Dược phẩm Trung ương 3.

Những cổ phiếu khác như DHT của Dược Hà Tây; DHG của Dược Hậu Giang; IMP của Imexpharm; PMC của Dược phẩm Dược liệu Pharmedic; CGP của Dược phẩm Cần Giờ; LDPcủa Dược Lâm Đồng – Ladophar hay TRA của Traphaco đều đạt mức tăng giá cổ phiếu trên 50%.

giá cổ phiếu các công ty dược phẩm

Giá cổ phiếu ngành dược tăng mạnh năm 2016

Nhiều doanh nghiệp ngành y tế, dược phẩm đạt đỉnh lợi nhuận từ trước đến nay

Như Imexpharm, tuy doanh thu và lợi nhuận không tăng vọt như giá cổ phiếu nhưng năm 2016 cũng được coi là năm thành công của công ty khi lợi nhuận sau thuế đạt hơn 100 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Ban lãnh đạo IMP đã kiên định đưa IMP phát triển theo định hướng sản xuất và kinh doanh thuốc chất lượng cao, giá hợp lý so với thuốc nhập khẩu. Việc 3 dây chuyền đạt chuẩn EU-GMP và tiếp tục đầu tư thêm 2 nhà máy đạt chuẩn EU-GMP khác giúp doanh nghiệp củng cố vị thế dẫn đầu trong sản xuất thuốc chất lượng cao.

Về kỳ vọng năm 2017, mới đây, chứng khoán Bảo Việt cũng đưa ra 3 kịch bản với Imexpharm. Theo đó, dù là với kịch bản tiêu cực nhất là hiệu suất 3 dây chuyển tiêu chuẩn EU-GMP của Imexpharm đạt 30% thì doanh thu và lợi nhuận sau thuế đều đạt mức tăng trưởng lần lượt là 26% và 44%. Với kịch bản lạc quan nhất, chứng khoán Bảo Việt cho rằng lợi nhuận sua thuế năm 2017 của IMP có thể tăng trưởng 95% so với 2016.

Nỗ lực tái cơ cấu cuối cùng rồi cũng cho Dược Cửu Long những thành quả đầu tiên khi mà quý 4/2016 này đạt đỉnh lợi nhuận kể từ trước đến nay với 36 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2016, Dược Cửu Long lãi hơn 90 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi năm 2015.

Năm 2016 này, Dược Cửu Long chủ yếu kinh doanh sản xuất dược phẩm, Capsule các loại, dụng cụ, trang thiết bị y tế cho ngành dược, ngành y tế, mỹ phẩm, thực phẩm dinh dưỡng, dược liệu, hóa chất nguyên phụ liệu và các loại dược phẩm bào chế khác.

Một doanh nghiệp khác trong ngành đạt đỉnh lợi nhuận trong năm 2016 là Domesco. Hoạt động kinh doanh chính của công ty là sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc, nguyên liệu, phụ liệu dùng làm thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị, dụng cụ y tế, hóa chất xét nghiệm; nước uống tinh khiết, nước khoáng thiên nhiên và nước uống từ dược liệu…

Năm 2016, tuy doanh thu giảm nhẹ so với cùng kỳ nhưng biên lợi nhuận gộp cải thiện đáng kể giúp Domesco lãi gộp 498 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cả năm 2016 đạt 168,5 tỷ đồng, tăng 18% so với 2015 và điều đáng nói là công ty đạt đỉnh lợi nhuận từ trước đến nay.

Dược Hậu Giang cũng chưa bao giờ kinh doanh tốt hơn năm 2016. Doanh thu năm 2016 của công ty đạt 3.782 tỷ đồng, tăng gần 180 tỷ đồng so với năm 2015. Lợi nhuận sau thuế năm 2016 đạt 713 tỷ đồng, tăng vọt 20% so với năm 2015. Với kết quả này, Dược Hậu Giang đạt EPS hơn 7.000 đồng/cổ phiếu.

Theo nhận định mới đây của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), Dược Hậu Giang là nhà sản xuất và phân phối thuốc lớn nhất trong số các DN niêm yết. Trong bối cảnh các sản phẩm tân dược nội không cho thấy sự khác biệt, DHG đang tập trung nguồn lực để quảng bá các sản phẩm thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ thiên nhiên. Công ty chứng khoán này cũng nhận định, khi mà thói quen sử dụng TPCN tại Việt Nam ngày càng phổ biến, cùng với đó là sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm (gan mật, tiêm mạch, tiểu đường…), thì danh mục sản phẩm DHG đang xây dựng sẽ được hưởng lợi từ xu hướng này. Sự hợp tác chiến lược với Taisho, một công ty dược phẩm hàng đầu của Nhật, hứa hẹn sẽ hỗ trợ DHG trong hướng đi này, bên cạnh việc giúp gia tăng đáng kể doanh thu phân phối bắt đầu từ 2017. Trong 2017, công ty tiếp tục được hưởng lợi từ ưu đãi thuế tại các nhà máy mới; ước tính thuế TNDN sẽ giảm còn 4% từ mức 8,3% năm 2016.

So với các doanh nghiệp dược niêm yết trên sàn, DHG có vị thế là công ty đầu ngành cả về quy mô, hệ thống phân phối, biên lợi nhuận gộp (trên 40%) và tỷ suất sinh lợi ROE (trên 20%) hàng năm.

Dược Hà Tây (DHT) năm 2016 cũng theo sóng chung ngành dược, vượt kế hoạch kinh doanh năm 2016 và đây là năm công ty đạt lợi nhuận cao nhất từ khi niêm yết.

 

Phương Chi

Theo Trí thức trẻ


 
Điểm tin
Top