Ngành Công nghệ ô tô: Nghề đang "Hot"
18/12/2017

TTO - “Theo thống kê của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, trên 95% kỹ sư ngành công nghệ kỹ thuật ô tô có việc làm ngay trong ba tháng đầu sau khi tốt nghiệp” – đó là chia sẻ ấn tượng của PGS.TS Đỗ Văn Dũng, hiệu trường nhà trường.

>> Ngành công nghệ ô tô là gì? học những gì?

>> Có nên học ngành Công nghệ ô tô? Học ở đâu?

ngành công nghệ kỹ thuật ô tô

Trong “Danh mục nghề trọng điểm giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020”, ngành công nghệ kỹ thuật ô tô có vai trò quan trọng được xếp là ngành trọng điểm theo cả ba cấp độ: quốc gia, khu vực ASEAN và thế giới.

Nhiều lợi thế cho sinh viên nữ

Nhân lực trong ngành công nghệ kỹ thuật ô tô hiện nay đa phần là nam giới, ngành học với nhiều kiến thức tưởng chừng như khô cứng về máy móc, động cơ, hệ thống ô tô thoạt nhìn có vẻ không phù hợp với nữ giới, nhưng thực tế không phải vậy. Hiện nay, qua từng năm số lượng sinh viên nữ tham gia học ngành công nghệ kỹ thuật ô tô ngày càng tăng, cơ hội việc làm của sinh viên nữ tốt ngành này rất tốt.

PGS. TS Đỗ Văn Dũng cho biết: “Theo thống kê, 100% sinh viên nữ học công nghệ kỹ thuật ô tô của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật sau khi tốt nghiệp dễ dàng tìm được việc làm. Nữ giới có nhiều ưu thế như khéo léo, tinh tế trong giao tiếp, hầu hết đảm nhận công việc trong phòng dịch vụ với chức danh cố vấn dịch vụ, phụ tùng hoặc lãnh đạo bộ phận chăm sóc khách hàng”. Hiện nay, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật đang có chính sách giảm 50% học phí cho sinh viên nữ ngành công nghệ kỹ thuật ô tô từ năm 2015.

Nhìn chung, cơ hội nghề nghiệp đang mở rộng với các kỹ sư công nghệ kỹ thuật ô tô. Kỹ sư khi ra trường thường làm việc  tại các nhà máy sản xuất, cơ sở sửa chữa, láp ráp ô tô, máy phụ tùng, máy động lực. Các doanh nghiệp kinh doanh ô tô, máy động lực, các trạm đăng kiểm, viện nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cũng đang rất “khát” nhân lực ngành này; Ngoài ra, kỹ sư công nghệ kỹ thuật ô tô còn có thể làm việc các đơn vị hành chính quản lý về kỹ thuật ô tô, máy động lực, các nhà máy nhiệt điện, các cụm nhà máy khí – điện - đạm, hải quan, khách sạn, công ty du lịch, các trường dạy lái, hoặc giảng dạy tại các trường ĐH, CĐ, TC.

Cần cẩn thận và ham học hỏi

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, để làm tốt ngành công nghệ kỹ thuật ô tô, ngoài những yêu cầu tiên quyết về năng lực làm việc, sức khỏe, lòng yêu nghề như những ngành khác, người kỹ sư công nghệ kỹ thuật ô tô phải có hai phẩm chất quan trọng là cẩn thận và ham học hỏi. Trong ngành công nghệ kỹ thuật ô tô, chỉ cần thiếu cẩn thận, cẩu thả, bừa bãi, không ngăn nắp trong công việc sẽ dẫn tới những sai lầm nghiêm trọng. Từ những sai lầm nhỏ, dù chỉ một chi tiết máy sai cũng có thể làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng sản phẩm, sự an toàn của khách hàng, ảnh hưởng thu nhập hay thậm chí là uy tín của cả một công ty lớn.

Công nghệ đang thay đổi từng ngày, từng giờ, với ngành kỹ thuật ô tô cũng không ngoài lệ. Vì vậy, người kỹ sư ngành công nghệ kỹ thuật ô tô phải luôn học hỏi, cập nhật kiến thức, về các ứng dụng, công nghệ mới qua internet, sách, báo, tạp chí chuyên ngành. Chính sự chăm chỉ, tinh thần ham học hỏi, ham tìm tòi, nghiên cứu sẽ giúp một kỹ sư nâng cao trình độ chuyên môn, rèn luyện kỹ năng tay nghề để thành công với công việc.

Theo lộ trình AFTA (khu vực mậu dịch tự do ASEAN), đến năm 2018 thuế nhập khẩu ô tô từ khu vực AFTA sẽ về 0%. Khi đó, giá xe sẽ giảm đáng kể, thị trường ô tô sôi động hơn, cơ hội việc làm ngành công nghệ kỹ thuật ô tô sẽ rộng mở với các kỹ sư có tay nghề và trình độ chuyên môn cao. PGS. TS Đỗ Văn Dũng nhận định: “Chọn học ngành công nghệ kỹ thuật ô tô ở thời điểm hiện tại là một quyết định sáng suốt, đón đầu xu hướng nghề nghiệp tương lai”.

Được đánh giá là một trong các nghề trọng điểm, có sức hút lớn với nhiều thí sinh, hiện nay có khá nhiều Trường ĐH, CĐ trên cả nước đào tạo ngành công nghệ kỹ thuật ô tô. Một số trường ở phía Bắc có truyền thống và thế mạnh trong đào tạo ngành công nghệ kỹ thuật ô tô như: ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH GTVT, ĐH Công nghiệp HN, Học viện kỹ thuật quân sự, ĐH Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên... Tại khu vực phía Nam: ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, ĐH Bách Khoa TP.HCM, ĐH GTVT TP.HCM, ĐH Công nghiệp TP.HCM...

Nguồn: tuoitre.vn


 
Hot News
Top