Sự lựa chọn con đường vào đời của một người bắt đầu từ khi nào? Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giúp các gia đình lần đầu bằng những quyết định phân ban toán hay văn, khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội khi học sinh bước vào bậc trung học.
Chuyện mỗi trường phổ thông có tới hai, ba chục lớp toán lý hóa, dăm lớp sinh hóa, còn lại lèo tèo vài, ba lớp văn sử chứng tỏ xã hội đã hướng cho lứa tuổi non trẻ này chọn lựa ngành học để sau này dễ kiếm tiền, và sự việc không khác gì ở giai đoạn chọn lựa trường đại học, cao đẳng theo trào lưu và những ngành có... hơi tiền.
Không ít lần tôi nghe nhiều sinh viên than thở đã hết năm thứ 3 đại học rồi mà ngày càng chán ngành mình đã chọn, đã theo đuổi suốt 3 năm đẹp nhất tuổi thanh xuân. Hầu hết không em nào dám bỏ ngang, lựa chọn lại ngành học, bởi áp lực của gia đình, của dư luận về ngành thời thượng, ngành sang.
Tôi đã nhìn thấy ánh mắt thất vọng của người cha khi con trai thi đậu vào trường ngoại thương nhưng không học mà lại theo đuổi ngành công nghệ sinh học. Điều đó cho thấy trong mắt ông, địa vị xã hội cao quý quan trọng hơn cả niềm hạnh phúc và hưng phấn để sống và làm việc mỗi ngày. Khi con gần tốt nghiệp rồi mà người cha vẫn không quên chuyện con ông từng thi đỗ vào ngành ngoại thương mà không học, vô tình mỗi ngày ông đều tạo áp lực lên sự lựa chọn đầu đời của một thanh niên mạnh mẽ.
Chỉ cần một lần vấp váp trên con đường tự lựa chọn là một lần đối mặt với chính gia đình mình. Điều này làm cho người trẻ bao lần chùn chân, mỏi gối khi quyết sống cuộc sống của chính mình chứ không phải sống thay cho người khác.
Bao nhiêu bạn trẻ đã nghe theo sự sắp đặt của người lớn, đi vào chốn quan trường, tìm kiếm vật chất và đã thành công. Thế nhưng rất nhiều người không dám thú nhận cảm giác cuộc đời họ thành công mà không hạnh phúc, và không thể cắt nghĩa được cái cảm giác chán chường đó đã không ít lần làm cho cuộc đời họ trở nên tẻ nhạt. Họ không dám thay đổi vì không có niềm tin vào sức mạnh nội tại của bản thân.
Sự lựa chọn người bạn đời của một thanh niên bắt đầu từ khi nào? Có lẽ bắt đầu hình thành mỗi ngày một ít từ cảm nhận, từ sự tác động của tiêu chuẩn xã hội và trên tất cả là ý kiến của gia đình. Mặc dù ông bà, cha mẹ thường nói vui bây giờ con cái đặt đâu cha mẹ ngồi đấy, tức là con cái tự quyết định việc lựa chọn người bạn đời, nhưng thực tế người trẻ cũng còn rất hoang mang với cái quyền "tự quyết" của mình.
Chúng ta từng nhìn thấy bao nhiêu người tặc lưỡi lập gia đình với người cũng có tình cảm, tạm được về mọi mặt chỉ vì sợ biết đâu trong tương lai sẽ không gặp được người tốt hơn. Mỗi hành động đều căn cứ vào cảm tính, hoặc có tính toán nhưng nửa vời, thiếu niềm tin vào tương lai sẽ tốt hơn rất nhiều, để rồi đi một đoạn ngắn đã cảm nhận được sự suy nghĩ chưa chín chắn của tuổi trẻ.
Bồi đắp niềm tin cá nhân, tìm ra những điểm mạnh trong từng cá nhân là yếu tố mà văn hóa, giáo dục của gia đình người Việt chưa quan tâm, và xã hội chỉ tuyên truyền về niềm tin chung của dân tộc hoặc cộng đồng. Niềm tin vào tương lai bản thân là nỗi niềm đau đáu của từng bạn trẻ lại bị bỏ mặc cho các bạn tự xoay xở, thiếu những dẫn dắt từ giáo dục đến suy nghĩ logic để người trẻ tự quyết cuộc sống đúng với tiềm năng cá nhân đang có.
Chúng ta vẫn thấy có những doanh nhân theo đuổi một ngành nghề mới ở tuổi 60. Chúng ta không tin rằng họ vẫn chạy theo đồng tiền sau cả sự nghiệp kinh doanh thành công. Và cũng có hàng triệu lượt người mỗi ngày vừa than thở chán chường, vừa bám chặt vào công việc buồn bã nhưng giúp họ ổn định cuộc sống. Và họ không hề ngờ vực họ đang sống một cuộc đời rất mất niềm tin vào bản thân để thay đổi, để đi tìm hạnh phúc!
Theo: HỒNG BÍCH (doanhnhansaigon.vn)
- 9 mục tiêu tài chính cần đạt trước tuổi 30
- Muốn làm chủ doanh nghiệp, phải có 5 kỹ năng này
- Hãy biết điều gì có giá trị và điều gì không
- Thói quen đơn giản tạo nên thành công sau khi ra trường
- Sinh viên CKM có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp - Những nỗ lực hết mình được đền đáp