Một trong những lí do khiến bạn muốn nghỉ việc thường do không hòa hợp với văn hóa công ty cũng như cách làm việc của sếp. Hãy lưu ý những điều sau để có thể hiểu hơn về sếp và công việc tương lai của mình ngay trong vòng phỏng vấn và trước khi nhận việc.
Bạn mong chờ điều gì ở sếp tương lai
Đầu tiên vẫn là bạn cần xác định rõ hình mẫu người sếp tương lai của mình như thế nào. Tối thiểu bạn nên xem xét các điểm sau:
- . Cách quản trị: Bạn muốn tự chịu trách nhiệm các dự án hay muốn thực hiện các công việc cùng với sếp.
- . Tính cách: Bạn mong muốn sếp là người thân thiện gần gũi, hay một người tách biệt giữa công việc và cuộc sống cá nhân.
- . Công việc: bạn muốn công việc của mình hoàn toàn nằm trong chuyên môn, hay đôi khi có thêm những công việc phụ khác.
Tin vào trực quan của mình
Khi quá tập trung vào 1 việc, khả năng đánh giá bức tranh toàn cảnh của bạn sẽ bị ảnh hưởng. Sau mỗi vòng phỏng vấn hoặc bài kiểm tra, bạn hãy tự hỏi mình những câu hỏi sau:
- . Đây có phải là công việc bạn mong muốn? Nó hoàn toàn trong chuyên môn của bạn hay có những thách thức nào bạn phải vượt qua. Bạn có phải đánh đổi sở thích, niềm đam mê của mình cho những điều khác?
- . Bạn cảm thấy sếp tương lai của mình ra sao? Đó có phải là một người như hình mẫu bạn muốn làm việc, người mà bạn sẽ cùng thảo luận, bàn bạc và giải quyết những vấn đề? Cách nói chuyện và làm việc của bạn và sếp có điểm nào chung.
Khi bạn cảm thấy có quá nhiều lí do khiến bạn phân vân đắn đo, hãy lấy lại sự bình tĩnh và tạm quên đi những loạt lập luận bạn đã đưa ra. Trực giác sẽ mách bảo rằng liệu bạn có thực sự thích và muốn làm việc với người sếp tương lai này hay không.
Hãy đặt câu hỏi trong buổi phỏng vấn, nhưng phải tinh tế
Nếu bạn đặt nhiều câu hỏi trong buổi phỏng vấn thì nó sẽ trở thành một cuộc thương thuyết, chứ không phải là phỏng vấn xin việc nữa. Bên cạnh đó các câu hỏi bạn đưa ra cũng phải thật khéo và không ngoan. Thay vì “Cách lãnh đạo và làm việc của anh như thế nào?”. Bạn nên dùng “Thông thường mỗi ngày công việc của em sẽ gồm những gì?”, “Em có cơ hội được học tập hay đào tạo trong quá trình làm việc hay không?”
Trong khi nhận được câu trả lời, bạn phải tinh tế xem thái độ của sếp tương lai hơn là quá chú ý vào những gì sếp nói. Bởi vì nếu như sếp mở lòng chia sẽ với bạn trong cuộc phỏng vấn, khả năng rất cao sếp cũng sẽ tương tác và hỗ trợ bạn trong công việc sắp tới. Ngoài ra bạn cũng nên có những câu hỏi về sự kì vọng của sếp, cũng như những thử thách mà bạn sẽ gặp.
Luôn “làm bài tập” trước buổi phỏng vấn
Trước khi đến những buổi phỏng vấn, ngoài việc xem lại bảng mô tả công việc, công ty, các câu hỏi phỏng vấn điển hình, bạn còn phải tìm hiểu thông tin về sếp tương lai của mình nữa.
Khi được thông báo đi phỏng vấn với sếp tương lai, đừng quên hỏi thông tin cơ bản của sếp, để bạn có thể tìm thêm thông tin trên các mạng xã hội, như LinkedIn, Facebook, blog, hay các bài báo viết về anh. Nó sẽ giúp bạn hình dung được sếp như thế nào cũng như chủ động tương tác hơn trong buổi phỏng vấn.
Gặp gỡ những đồng nghiệp
Một trong những cách hiệu quả để hiểu về sếp tương lại chính là gặp gỡ và nói chuyện với những người đồng nghiệp tương lai của mình. Những đồng nghiệp có chung sếp sẽ dễ dàng chia sẻ với nhau những suy nghĩ và cảm nhận thật lòng về sếp. Khi nhận được thư mời làm việc, bạn có thể đề nghị cho bạn nửa buổi vào công ty để làm quen và tìm hiểu thêm về những đồng nghiệp và sếp tương lai của mình trước khi bạn nhận việc.
Hãy áp dụng các bước trên đề hiểu rõ hơn về văn hóa công ty cũng về người sếp tương lai. Đây sẽ những bước rất hữu hiệu để bạn có thể ra quyết định chọn công việc mơ ước của mình.
nguồn: – HR Insider / VietnamWorks –