Số lượng cử nhân ra trường thất nghiệp ngày càng tăng, chất lượng đào tạo ĐH chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, số lượng người học ĐH lại quá lớn so với nhu cầu nhân lực của thị trường lao động... nhưng học sinh kết thúc bậc THPT chỉ muốn chọn một con đường: vào ĐH.
Thi ĐH, CĐ vẫn áp đảo
Chỉ cần nhìn vào số lượng học sinh (HS) tốt nghiệp lớp 12 hằng năm và số lượng hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ sẽ thấy nhu cầu học ĐH của người dân lúc nào cũng lớn. Chẳng hạn năm 2013, cả nước có 946.064 HS thi tốt nghiệp THPT thì có đến 1,7 triệu hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ. Năm 2014 có 910.000 HS thì có 1,4 triệu bộ hồ sơ thi ĐH, CĐ. Nghĩa là trung bình mỗi HS dự thi từ 1 - 2 trường ĐH, không ít thí sinh dự thi cả 3 đợt. Năm 2015, có 871.935 thí sinh lớp 12 sẽ tham gia kỳ thi THPT quốc gia. Trong đó có 279.001 đăng ký chỉ để xét tốt nghiệp, chiếm khoảng 30% và 592.934 thi với mục đích tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ (chiếm khoảng 70%).
|
Kết quả khảo sát của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM (thuộc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM) về xu hướng lựa chọn bậc học trên 10.000 HS các lớp 11, 12 tại 19 quận, huyện trên địa bàn TP.HCM các năm 2012, 2013, 2014 rất đáng suy nghĩ. Theo đó, năm 2012 chỉ có 3,57% HS chọn học bậc trung cấp, trong khi có đến 96,43% HS chọn thi ĐH, CĐ. Năm 2013, có 93,41% HS chọn thi ĐH, CĐ và 6,69% HS chọn trung cấp. Khảo sát năm học 2014-2015, có 89% chọn thi ĐH, CĐ và 11,05%. Tuy tỷ lệ HS chọn thi trong 3 năm gần đây có giảm nhưng không đáng kể và vẫn chiếm tỷ lệ áp đảo.
Với hơn 400 trường ĐH, CĐ, tổng chỉ tiêu hằng năm khoảng 540.000. Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, từ 2010 tới nay mỗi năm có hơn 500.000 người đậu ĐH, CĐ. Trong khi đó, số lượng người học trung cấp, nghề khá ít. Các trường này phần lớn chỉ tuyển được dưới 50% chỉ tiêu, trong đó không ít trường chỉ đạt 20%.
1/3 người không vào ĐH, tiếp tục thi lại
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Quản trị nhân lực Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, nhận định: “Tâm lý của phụ huynh và HS là cứ phải học ĐH mà không cần biết nhu cầu thực tế ra sao. Hiện nay khâu dự báo của chúng ta còn yếu, các trường vẫn đào tạo theo nhu cầu của mình và nhu cầu người học mà không nắm rõ nhu cầu của doanh nghiệp ở mức tổng thể. Trong khi đó việc xác định chỉ tiêu của Bộ cứ dựa trên các tiêu chí về giảng viên và đất đai để cấp thôi”.
Chỉ tiêu nhiều, đầu vào các trường ĐH ngoài công lập và kể cả một số trường công lập lại tương đối dễ nên HS tất yếu sẽ không chọn các bậc học thấp. Ông Mai Văn Thiên, Phó ban Quản lý nguồn nhân lực thuộc Tập đoàn dệt may VN, nhìn nhận: “Chúng ta đang sống trong một xã hội mà người học cao được trọng vọng, học thấp thì bị coi thường. Đa số người tuyển dụng vẫn ưu tiên bằng cấp, người học thì xem như mục tiêu phấn đấu của 12 năm đèn sách cốt chỉ để đậu ĐH. Do đó HS nào cũng đua nhau vào ĐH trong khi chưa chắc đã đủ khả năng để theo”.
Ngoài ra, theo ông Thiên, tâm lý của bố mẹ quyết định rất nhiều hướng đi của con cái. “Nếu nhìn nhận đúng thực lực của con mình và giúp con chọn nghề học, bậc học phù hợp sở trường, phù hợp nhu cầu thực tế, không ép con phải đậu ĐH, thì con cái sẽ bớt đi áp lực rất nhiều”, ông Thiên chia sẻ.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động (Sở LĐ-TB-XH TP.HCM), có khoảng hơn 1/3 HS không đậu ĐH chấp nhận chờ để năm sau thi tiếp chứ nhất định không chịu học trung cấp hay nghề. “Với nhiều gia đình, việc con cái 12 năm đèn sách mà trượt ĐH là điều gì thật đáng xấu hổ với người thân, bạn bè. Còn bản thân HS thì thấy mình suy sụp, buồn chán, là bởi mục tiêu duy nhất đã bị đổ vỡ”, ông Tuấn nhận định. Việc chờ để thi tiếp, hoặc học đại một ngành ĐH không phù hợp rồi bỏ ngang, theo ông Tuấn, sẽ tạo gánh nặng cho gia đình, xã hội và rất lãng phí nguồn nhân lực của đất nước.
Ý kiến Giỏi nghề thì luôn có việc “Ước mơ học ĐH là hết sức chính đáng, nhưng các em mải mê chạy theo những ngành nghề có vẻ như “nóng” ở các trường ĐH-CĐ mà dửng dưng với các ngành kỹ thuật công nghệ ở trường nghề mà không hề biết rằng, nhiều SV sau khi tốt nghiệp ĐH-CĐ đã bị thất nghiệp, trong khi học giỏi nghề thì không nơi nào chê cả”. Tiến sĩ Nguyễn Trần Nghĩa Đậu ĐH, nhưng chọn trung cấp “Cách đây gần chục năm, tôi đã thi đậu vào ĐH Kinh tế TP.HCM nhưng vì điều kiện gia đình khó khăn nên tôi quyết định không học ĐH mà học trung cấp để nhanh chóng ra trường đi làm. Hiện tại, sau thời gian đi làm cho doanh nghiệp, nay tôi đã có công ty nhỏ về lắp đặt, bảo trì điện lạnh và có thu nhập khá, lo được cho cuộc sống của mình và cha mẹ”. Nguyễn Tấn Lộc Thành công không phải nhờ tấm bằng Ở một xã hội trọng hình thức, trọng bằng cấp, thì tất nhiên không ai muốn mình thua kém người khác cả. Vì thế, bằng mọi giá phải thi ĐH và đậu ĐH. Người ta cho rằng học ĐH sẽ có công việc nhàn hạ, không phải dãi nắng dầm mưa và có cơ hội để thoát nghèo. Tuy nhiên, đây là những suy nghĩ sai lầm. Thành công hay không, được tôn trọng hay không là do có biết tạo vị trí của mình trong xã hội hay không, chứ không phải nhờ tấm bằng”. Trần Văn Hưng |
theo Mỹ Quyên (thanhnien.com.vn)
- Đề minh họa thi tốt nghiệp THPT 2025 của Bộ GDĐT
- Đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT Quốc Gia 2023 của Bộ GDĐT
- Lịch thi đấu AFF Cup 2022 Lịch thi đấu của đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2022
- Các mốc thời gian xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học 2022 thí sinh cần nhớ
- Đáp án môn Toán tốt nghiệp THPT 2022 của Bộ GDĐT