Du lịch Việt Nam chưa giữ được chân du khách, vì sao?
13/12/2017

Phát triển du lịch còn nhiều điểm nghẽn là nhận định của các doanh nghiệp trong buổi đối thoại doanh nghiệp do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ tổ chức tại Tp.HCM đầu tháng 12 mới đây.

Trong khi thu hút khách chưa mạnh thì yếu tố nội tại chưa được hoàn thiện. Đối với môi trường điểm đến du lịch chưa được các địa phương quản lý đúng mức và chuyên nghiệp. Điều đó đã làm giảm đáng kể lượng khách quay lại Việt Nam vì họ không nhận được chất lượng sản phẩm, dịch vụ tương xứng với đồng tiền mình bỏ ra.

ngành du lịch việt nam

Du khách chỉ đến một lần

Lối kinh doanh dịch vụ ăn xổi và tình trạng chặt chém và cung cách phục vụ không chuyên nghiệp cùng dịch vụ gia tăng, hỗ trợ còn yếu kém là giọt nước "làm tràn ly" khiến cho du khách đến một lần và không quay trở lại.

Cũng theo các doanh nghiệp, trong khi năng lực làm du lịch của doanh nghiệp trong ngành và người dân còn nhiều điểm khiếm khuyết thì họ chưa nhận được sự trợ lực từ phía cơ quan quản lý.

Theo nhận xét của các doanh nghiệp trong ngành, thái độ ứng xử của một số cơ quan công quyền còn tùy tiện, lạm dụng thực thi chính sách pháp luật gây khó khăn cho doanh nghiệp. Trong hoạt động thu hút du khách, ngoài nội lực, động lực, sự hạn chế còn do các chính sách chưa tương ứng.

Liên quan đến các khó khăn về miễn thị thực cho người nước ngoài để phát triển du lịch, Thiếu tướng Lê Xuân Viên, Cục trưởng Cục Xuất nhập cảnh, Bộ Công an cho biết, vấn đề thị thực vẫn phức tạp. Để đàm phán được cần có quá trình và đảm bảo sự phát triển bền vững. Bởi vì đây là vấn đề "có đi có lại" trong mối quan hệ song phương với các nước.

Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện miễn thị thực cho công dân của 23 nước. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Việt Nam mới đàm phán song phương với 10 nước, còn lại 13 nước là đơn phương.

Nói về vấn đề cấp thị thực điện tử, Thiếu tướng Lê Xuân Viên cho biết, Việt Nam được đánh giá có chính sách cấp thị thực điện tử đơn giản và nhanh chóng nhất. Hiện đã có gần 1 triệu lượt người nước ngoài truy cập vào website cấp thị thực và đã có gần 100.000 người được cấp thị thực điện tử.

Hiện có công dân của 39/40 nước đăng kí với Việt Nam trong việc cấp thị thực điện tử. Mặc dù mới triển khai thí điểm (chính thức áp dụng từ 1/2/2017) nhưng việc cấp thị thực điện tử được đánh giá là có sự đột phá, thực hiện tốt, đảm bảo an ninh an toàn và thuận lợi cho người nước ngoài nhập cảnh. Hoạt động cấp thị thực điện tử áp dụng cho công dân 40 nước theo Nghị định 07/CP.

Giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn

Phát triển du lịch còn nhiều điểm nghẽn là nhận định của các doanh nghiệp. Vấn đề là làm thế nào để tháo gỡ dần các nút thắt, điểm nghẽn đó. Theo ý kiến của Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Cải cách thủ tục hành chính, Mai Tiến Dũng, tới đây, cần quan tâm đến việc giảm chi phí cho doanh nghiệp trong ngành.

 

Theo đó, giao Bộ Giao thông Vận tải làm chuyên đề báo cáo về lĩnh vực logistics, những bất cập dẫn đến không kết nối được giữa đường bộ, đường sắt và đường thủy; đồng thời rà soát lại toàn bộ chi phí của các lĩnh vực giao thông để công bố cắt giảm chi phí không hợp lý.

Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 11/2017 ước đạt 1.172.568 lượt, tăng 14,4% so với tháng trước và tăng 25,2% so với cùng kỳ năm 2016.

Tính chung 11 tháng năm 2017 ước đạt 11.645.798 lượt khách, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, khách đến từ khu vực châu Á chiếm chủ yếu, có đến 8,76 triệu lượt khách từ các thị trường châu Á. Khách du lịch đến từ các nước khu vực châu Âu trong 11 tháng qua đạt 1,718 triệu lượt khách. Khách đến từ thị trường châu Mỹ đạt 745.530 lượt khách, thị trường châu Úc là 384.910 lượt khách.

Theo Lê Mây

Vneconomy


 
Điểm tin
Top