Chỉ còn 1 tháng nữa là các bạn học sinh khối lớp 12 và thí sinh tự do trên cả nước sẽ bước vào kỳ thi THPT Quốc gia 2018. Thời gian bây giờ đang trở nên gấp rút, do vậy thí sinh, phụ huynh và cả nhà trường đều cần dốc sức ôn tập, lên kế hoạch thật hiệu quả cho thời gian sắp tới.
Tránh lãng phí thời gian ở các trung tâm luyện thi
Thời gian qua, nhiều trường đã tận dụng tiết học ở buổi hai để tổ chức ôn tập, hệ thống lại kiến thức lớp 11, cũng như tăng cường ra các đề thi mẫu cho học sinh luyện tập. Ngoài ra, trong các bài kiểm tra một tiết, giáo viên cũng tổ chức giống hình thức thi THPT để học sinh quen dần với định dạng đề thi tốt nghiệp.
Một số giáo viên dạy lớp 12 THPT ở Hà Nội phản ánh không ít học sinh do lo lắng đề thi khó nên đến đăng ký ở các trung tâm luyện thi học thêm, dẫn đến quỹ thời gian nghỉ ngơi ít ỏi khiến nhà trường và gia đình đều rất lo lắng.
Ông Đàm Tiến Nam, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), cho biết việc ôn tập đã được tiến hành ngay từ đầu năm học trên cơ sở lịch trình của Bộ GD&ĐT và mô hình học tập bán trú của trường để điều chỉnh, phân phối số lớp linh hoạt, tăng cường tiết học theo từng lớp.
Lập kế hoạch cho từng tuần khi ôn tập
Theo ông Nam, giai đoạn này, các giáo viên lập kế hoạch ôn tập cụ thể cho từng tuần, từng lớp để sát với đối tượng và theo dõi được sự tiến bộ của học sinh. Trước đó, trường đã yêu cầu giáo viên chủ nhiệm phối hợp tốt với giáo viên bộ môn để rà soát số học sinh yếu đưa vào lớp chống “liệt”, mỗi giáo viên nhận đỡ đầu một nhóm (3 - 5) học sinh học chậm, không để học sinh nào bị tụt lại phía sau. Tuy nhiên, nhà trường cũng có trách nhiệm tư vấn cho phụ huynh và học sinh để luyện thi hiệu quả, không học thêm tràn lan ở trung tâm, cần có thời gian nghỉ ngơi hợp lý.
Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), cho biết việc ôn tập không quá sa đà vào chương trình lớp 11 mà ưu tiên bảo đảm chuẩn kiến thức, kỹ năng lớp 12. Thêm vào đó, đề thi tham khảo năm nay do Bộ GD&ĐT công bố được giáo viên đánh giá là tăng độ khó rõ rệt so với năm trước ở tất cả các môn. Do đó, việc “lên dây cót” tinh thần vừa bảo đảm chuẩn kiến thức cho học sinh vừa giúp các em có tâm lý, sức khỏe tốt nhất trước khi bước vào kỳ thi là điều trường đặc biệt chú trọng.
Giáo viên Trường THPT Ngô Sĩ Liên (TP.Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) biên soạn tài liệu tự học của 9 môn với hệ thống bài tập phong phú, bám sát chương trình sách giáo khoa, cấu trúc, nội dung, mức độ kiến thức theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT cho học sinh ôn luyện.
Ông Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, cho hay với đa số học sinh chỉ dự thi để xét tốt nghiệp nên mục tiêu chính của trường là dồn sức ôn tập để học sinh nắm được kiến thức ở khoảng 50 - 60% (phần kiến thức cơ bản) theo đề thi minh họa của Bộ. Những phần kiến thức khó mà dư luận đang lo lắng, thực ra không được chú trọng trong quá trình ôn tập với trường có học sinh chủ yếu có học lực trung bình.
Rèn kỹ năng làm bài thuần thục
Theo thống kê của nhiều địa phương, lịch sử là môn có nhiều học sinh đăng ký dự thi nhất, do vậy, giáo viên dạy bộ môn này cũng tỏ ra khá áp lực khi ôn tập cho học sinh.
Bà Trương Thị Thu, giáo viên dạy sử ở Hà Nội, cho biết kế hoạch ôn tập trong khoảng 6 tuần cuối là để hướng dẫn học sinh hệ thống kiến thức cơ bản lịch sử thế giới và lập sơ đồ các giai đoạn lịch sử VN. Hướng dẫn học sinh học theo từ khóa, lập bảng so sánh các giai đoạn… Phần thời gian còn lại, tập trung luyện tập và rèn luyện kỹ năng trả lời trắc nghiệm.
Bà Trần Thị Thu Hương, Tổ trưởng tổ địa lý, Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), cho biết địa lý là môn học có nhiều học sinh đăng ký dự thi nên giai đoạn này giáo viên chú trọng rèn luyện kỹ năng làm bài. Với đặc thù môn địa lý có 15/40 câu hỏi về kỹ năng sử dụng Atlat, biểu đồ nên trên lớp dành nhiều thời gian để luyện kỹ năng này cho học sinh. Với những học sinh trung bình trở xuống, chưa chăm học thì phải kèm 1-1 để chắc chắn học sinh có thể tự tin làm bài, đủ điểm đạt tốt nghiệp.
Không ít giáo viên môn sinh học chia sẻ nhiều học sinh xem đây là môn không chọn để xét tuyển sinh đại học, chỉ thi để thoát điểm liệt trong bài thi khoa học tự nhiên nên học sinh không coi trọng. Các giáo viên dạy môn sinh cho biết với những học sinh không dự thi để tuyển sinh đại học thì chỉ tập trung vào những câu hỏi ở mức độ 1 và 2 (chiếm khoảng hơn 40% trong đề thi).
Không chỉ lo ôn luyện kiến thức, nhiều giáo viên cho biết cũng phải chú trọng tới tâm lý và sức khỏe của học sinh. Bà Trần Thị Thu Hương cho hay việc làm công tác tư tưởng cho học sinh cũng rất quan trọng, giáo viên phải luôn dành thời gian để chia sẻ với học sinh những tâm tư, những lo lắng do sức ép của thi cử, giúp học sinh giải tỏa, nhất là giai đoạn cuối của quá trình ôn thi.
Theo Thanh Niên
- Đề minh họa thi tốt nghiệp THPT 2025 của Bộ GDĐT
- Đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT Quốc Gia 2023 của Bộ GDĐT
- Lịch thi đấu AFF Cup 2022 Lịch thi đấu của đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2022
- Các mốc thời gian xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học 2022 thí sinh cần nhớ
- Đáp án môn Toán tốt nghiệp THPT 2022 của Bộ GDĐT