Những “tai nạn trời ơi” nơi phòng thi và cách phòng tránh
08/06/2018

Kỳ thi THPT quốc gia 2018 sắp tới, các bạn đã chuẩn bị thật kỹ lưỡng và tự tin bước vào phòng thi.

Tưởng chừng như chiến thắng nắm chắc trong tay

Nhưng có những “kẻ giấu mặt” có thể làm bạn mất tập trung khi làm bài, thậm chí làm bài thi của bạn bị đánh dấu, điểm số của bạn “bay màu” như những người anh hùng bị Thanos búng tay

Thật kinh khủng, những kẻ đó là ai và làm sao để phòng tránh chúng ?!!

Sau đây mình sẽ “bật mí” cho các bạn những “kẻ xấu giấu mặt” này và cách để chúng không thể làm ảnh hưởng đến kết quả thi của bạn được nữa nhé ;)

Số 1: Chuông reo là “bay màu” .

Bạn đang hí hoáy tô đáp án thì bỗng nhiên, có tiếng điện thoại reo lên trong túi quần và … giám thị hiện ra như công an tuần tra khu phố, bạn bị đánh dấu bài và mất hoàn toàn số điểm của môn thi đó

tai nạn phòng thi và cách phòng tránh

Hung thủ: thật đau lòng nó lại chính là chiếc điện thoại thân yêu mà bạn luôn mang theo mình. Ngày thường, chú “dế” yêu này luôn là nơi trút bầu tâm sự, kết nối bạn bè, cập nhật thông tin, báo thức ….

Nhưng hôm nay, sự xuất hiện của nó bên cạnh bạn lại là 1 thảm họa thực sự.

Điện thoại di dộng hoàn toàn bị cấm trong phòng thi.

Chỉ cần có nó trong người, dù lý do gì bạn cũng bị phạt vì giám thị sẽ làm rất nghiêm. Hậu quả là bạn sẽ mất điểm hoàn toàn môn thi đó, tức là 0 điểm. Nhiều bạn chỉ vì quên không bỏ điện thoại ra khỏi người mà vô tình vi phạm quy chế thi. Thật đau lòng.

Vậy phải làm thế nào :

Tuyệt đối không mang điện thoại vào phòng thi bạn nhé

Nếu có bố mẹ đưa đi thi, hãy nhờ bố mẹ cất giùm

Nếu đi 1 mình, hãy bỏ vào cặp / ba lô và để ở khu vực quy định. Nhớ tắt chuông hay tốt nhất là tắt nguồn đi nhé.

Chỉ vài tiếng đồng hồ xa dế yêu bạn vẫn sống tốt, nhưng cũng chỉ cần 1 tiếng chuông reo trong phòng thi, bạn sẽ mãi mất đi cơ hội đậu tốt nghiệp cùng với bạn bè, phải đợi năm sau thi lại. Hãy suy nghĩ kỹ.

Số 2: Bỗng nhiên “thấy nhói”

Bạn đang chăm chú làm bài thì bỗng nhiên bụng đau sôi sục - thôi rồi Tào Tháo ơi, sao lại nhằm lúc này mà đuổi thế ?!? Làm sao mà tôi có thể tập trung làm bài thi đây ?!!

tai nạn phòng thi và cách phòng tránh

Hung thủ: Tô bún riêu, hột vịt lộn nóng hổi lúc sáng, hay que kem mát lạnh mới thưởng thức lúc trưa nắng … đều có thể là thủ phạm.

Phải làm sao đây :

Cẩn thận lựa chọn đồ ăn cho mình. Tránh xa mấy món khó tiêu tiềm ẩn nguy cơ với đường tiêu hóa như bún riêu, hột vịt lộn, kem, nước ngọt có gas, trứng sống, nem, gỏi , tiết canh… hãy chắc chắn thứ bạn ăn sẽ không ảnh hưởng gì. Nên chọn những món ăn “lành tính” như phở, hủ tiếu, , bánh ướt ,bánh mỳ (không có đồ chua ) … ở những quán ăn sạch sẽ, đảm bảo. Nên uống nước lọc, nhưng đừng uống nhiều quá sẽ lại khiến bạn nhanh phải “xin cô cho em ra ngoài”, sẽ rất bất tiện đấy.

Tốt nhất, bạn nên đi vệ sinh từ ở nhà, trước khi đi thi.

Số 3: Kiến thức đã ôn bỗng nhiên quên sạch

Đây là 1 tình huống khá phổ biến khi làm bài thi. Ngày thường bạn ôn thi rất kỹ, nhưng không hiểu sao tới lúc thi trí não bỗng dưng ngừng hoạt động, bạn không thể nhớ gì cả. “Chết rồi, làm sao bây giờ ?!?”

tai nạn phòng thi và cách phòng tránh

Hung thủ: Thiếu ngủ, lo lắng thái quá hay quá tải thông tin đều là những tác nhân gây ra “vụ” này. Bạn lo ôn thi đến mất ăn mất ngủ, bạn cố nhồi nhét kiến thức vào đầu khiến cho bộ não quá tải …. Hậu quả là đến khi vào phòng thi, tất cả nhũng gì đã học bỗng dưng đi đâu hết, không thể nhớ nổi 1 điều gì, bộ não thì như trống rỗng … ôi, như vậy thì thi gì nữa trời ơi ?!!!

Phải làm sao đây ?

Vụ này căng đấy, nhưng sẽ có cách giải quyết. Bạn hãy làm như sau nhé

Đầu tiên, khi ôn bài, hãy hệ thống kiến thức theo sơ đồ tư duy, kiến thức này dẫn đến kiến thức kia. Như vậy, khi lỡ quên 1 điều gì đó, bạn có thể vẽ lại sơ đồ tư duy và lần theo nó để nhớ ra điều đã quên.

Tiếp theo, đừng cố học “gạo”, học thuộc lòng mà hãy thấu hiểu kiến thức đó. Khi đã hiểu thì bạn sẽ dễ dàng áp dụng vào bài tập mà không cần phải mất quá nhiều thời gian để nhớ.

những tai nạn phòng thi và cách phòng tránh

Sau đó, hãy làm thật nhiều bài tập cho thật quen tay, nhất là với những môn trắc nghiệm. Thực tế, những bạn thi điểm cao trắc nghiệm là do các bạn đã luyện tập rất nhiều, làm đi làm lại nên các công thức đã nhớ sẵn trong đầu, khi thi chỉ cần đưa số liệu đề bài vào và bấm máy tính 1 xíu là ra kết quả.

Với những môn có nhiều kiến thức khó nhớ, thì hãy gán mỗi kiến thức ấy với 1 dấu hiệu đơn giản dễ hình dung. Ví dụ: Phản ứng thủy phân của chất béo trong môi trường kiềm chính là việc bạn rửa bát mỗi ngày, kiềm trong nước rửa chén đã thủy phân chất béo bám trên bát đĩa mà bạn mới ăn xong đó

Và cuối cùng, khi vào phòng thi, bạn hãy bình tĩnh, đọc qua hết 1 lượt đề bài, ghi thật nhanh những ý tưởng, kiến thức vừa lóe lên trong đầu ra nháp. Sau đó, hãy từ từ dùng những kiến thức đã liệt kê ra đó để giải quyết bài thi của bạn nhé.

Chúc bạn thành công.

H.T (tổng hợp)


 
Hotline:

028.3989 3967 - 028.3989 3968

Tư vấn tuyển sinh - TV2

  

Tư vấn tuyển sinh - TV1

  

Thông báo mới
Điểm tin
Top